Trong vòng 5 năm qua, kể từ khi Luật Đầu tư, Doanh nghiệp được đặt lên bàn sửa đổi vào năm 2014, giới nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị những phương án, giải pháp sửa đổi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập”.
Phải thẳng thắn, đây không phải là vấn đề mới. Thậm chí, Thủ tướng cũng đã khẳng định, sự phức tạp, đôi khi không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn của các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng và môi trường đã gây tốn kém thời gian, tiền bạc và rủi ro cao cho các nhà đầu tư.
Đây cũng là những rào cản trực tiếp gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Nhưng điều đáng nói là tình trạng này đã kéo dài quá lâu. Trong vòng 5 năm qua, kể từ khi Luật Đầu tư, Doanh nghiệp được đặt lên bàn sửa đổi vào năm 2014, giới nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị những phương án, giải pháp sửa đổi.
Năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một khảo sát sơ bộ từ ý kiến của doanh nghiệp, với đề xuất xem xét 150 điều khoản của 50 văn bản luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Có thể kể tới Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lao động, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Sở hữu trí tuệ…
Năm 2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có khảo sát chi tiết 37 khó khăn, vướng mắc phổ biến của doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư do các quy định thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn trong chính các văn bản luật trên. Năm 2018, các đề xuất sửa đổi đã hình thành và gửi tới các cơ quan có liên quan xem xét.
Cũng đã có những thay đổi ở chỗ này, chỗ kia khi nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn vừa qua, nhưng chưa có một giải pháp tổng thể và quyết liệt. Chính vì vậy, khi các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thì không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí, mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, bởi thực hiện theo quy định này thì lại vi phạm quy định kia.
Không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư gánh chịu áp lực nói trên. Các cơ quan quản lý nhà nước, các công chức cũng lúng túng, bị động trong áp dụng văn bản, quy định để xử lý công việc. Hệ quả là tâm lý sợ rủi ro, sợ sai, sợ trách nhiệm khá phổ biến trong bộ máy nhà nước.
Trong cuộc thảo luận diễn ra vào tuần trước về kinh tế Việt Nam và các động lực tăng trưởng trong các năm tới, giới chuyên gia kinh tế thêm một lần phải nhắc tới đề xuất cấp bách về đơn giản hóa, hợp lý hóa các các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường để tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới, tạo tài sản cho nền kinh tế.
Nhưng giới chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, không thể để tiếp tục giao từng bộ, ngành thực hiện việc này như thời gian qua. Mảnh đất đó đầy quyền lực, nên rất khó buộc các bộ, ngành từ bỏ. Đây là lý do khiến giới nghiên cứu kỳ vọng về sự có mặt của Tổ công tác có tính độc lập, chuyên môn cao thực hiện công việc rà soát, tập hợp và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hết các rào cản bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính các chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng… trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó là đề xuất xây dựng một luật sửa đổi bổ sung các điều khoản chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất có thể.
Phải nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ trong phiên chất vất trước Quốc hội. Đó là: “Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế, mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”.
Cần có ngay hành động có trách nhiệm để phá bỏ nguy cơ không hành động vì sợ trách nhiệm.