Tập trung phát triển “sếu đầu đàn”

0:00 / 0:00
0:00
Để thực hiện mục tiêu đến 2025, kinh tế tư nhân đóng góp 55% vào GDP và đến 2030 đóng góp 60-65%, cần phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển.

Đó là chia sẻ của bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi trao đổi với Báo Đầu tư.

Khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là doanh nghiệp dân doanh đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng trên thực tế vẫn còn quá nhỏ, thưa bà?

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thì tại thời điểm cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 684.300 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, thu hút 14,7 triệu lao động.

Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng lao động luôn thấp hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp, cho thấy giai đoạn này doanh nghiệp thành lập mới (doanh nghiệp tư nhân) chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, dẫn đến quy mô lao động ngày càng giảm, từ 27,7 lao động/doanh nghiệp (năm 2016), xuống còn 21,5 lao động/doanh nghiệp (năm 2020). Bình quân một doanh nghiệp dân doanh chỉ thu hút được 13 lao động, thấp hơn rất nhiều so với 512,4 lao động của khu vực nhà nước và 229 lao động của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Còn về quy mô vốn, nếu như năm 2020, bình quân một doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn 5.300 tỷ đồng; doanh nghiệp FDI là 420 tỷ đồng, thì doanh nghiệp tư nhân chỉ có 43,8 tỷ đồng, nhưng vốn liếng chỉ tập trung chủ yếu ở 3% số doanh nghiệp tư nhân lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô vốn rất nhỏ, doanh nghiệp thành lập mới chỉ có vốn đăng ký 10-12 tỷ đồng.

Sử dụng ít lao động, quy mô vốn nhỏ, doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa đóng góp vào nền kinh tế chưa tương xứng với số lượng?

Khoảng 97% số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tuyệt đại đa số là doanh nghiệp tư nhân. Trong số doanh nghiệp nhỏ và vừa thì 50% có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm; khoảng 13% có doanh thu từ 3 đến 10 tỷ đồng, số doanh nghiệp có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm chưa đến 1%.

Sử dụng lao động ít, quy mô vốn nhỏ, doanh thu thấp, nên tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân rất hạn chế trong việc thu hút nhân lực có tay nghề, trình độ; khó huy động tài chính; thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, thiết bị, máy móc... Vì vậy, đóng góp vào GDP, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo ra doanh thu, lợi nhuận chủ yếu tập trung vào khu vực doanh nghiệp lớn.

Vì vậy, cần phải tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, những doanh nghiệp được ví như sếu đầu đàn, bởi cả đàn sếu muốn bay nhanh, bay xa, bay đúng hướng thì phải có những con sếu dẫn đầu.

Mặc dù chưa có chính sách riêng, cơ chế hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp lớn, nhưng thưa bà, Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân “tỷ đô”?

Chúng ta rất tự hào khi ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, một số doanh nghiệp đã đạt được thành quả nhất định không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn từng bước khẳng định chỗ đứng, thương hiệu trên trường quốc tế, nhưng số lượng doanh nghiệp này vẫn còn rất ít, chưa trở thành một lực lượng đủ sức dẫn dắt nền kinh tế và là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là đến năm 2025 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55% vào GDP, đến năm 2030 đóng góp 60-65%, thì phải phát triển doanh nghiệp lớn trở thành một lực lượng. Bởi khu vực doanh nghiệp này đang trưởng thành dần, khi được hỗ trợ, tạo điều kiện sẽ thực sự lớn mạnh.

Theo nghiên cứu về 500 doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn nhất vừa được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện thì 500 doanh nghiệp này vượt trội so với các doanh nghiệp tư nhân còn lại về kết quả kinh doanh cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp này chỉ chiếm 0,089% số lượng doanh nghiệp tư nhân, nhưng thu hút 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần. Nhưng để doanh nghiệp tư nhân lớn thực sự trở thành lực lượng, là những con sếu đầu đàn đủ sức dẫn dắt các doanh nghiệp tư nhân khác thì phải có chính sách hỗ trợ.

Thưa bà, liệu có công bằng khi hỗ trợ doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự nhận được hỗ trợ, mặc dù có cả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Nghị quyết 10/NQ-TW đã chỉ ra, kinh tế tư nhân có trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Thực tế thì khu vực doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cũng rất khó “bắt tay” trực tiếp được với doanh nghiệp nhỏ và vừa do khu vực này không đáp ứng được các điều kiện về sản xuất, chủng loại, chất lượng sản phẩm thì làm sao có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa và rộng hơn là hội nhập kinh tế quốc tế thì phải thông qua doanh nghiệp tư nhân lớn. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân lớn trở thành đối tác, nhà sản xuất, cung ứng F1 cho doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn trở thành thành F2, F3 khi trở thành đối tác của doanh nghiệp lớn hơn.

Lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn đóng vai vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn đến sân chơi lớn hơn. Chính sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa, giữa doanh nghiệp vừa với doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng kinh tế buộc doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tài chính, công nghệ... Đây chính là sự lan tỏa, hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp lớn, thực ra là gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tin bài liên quan