Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhiều giải pháp để “rã băng” tín dụng, trong đó nên tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ để tạo sức lan tỏa.
Lòng tin suy giảm, tín dụng cả năm khả năng chỉ tăng 9 - 10%
Tính tới ngày 27/10/2023, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 7,1%, tức là mới đạt nửa chỉ tiêu định hướng cho cả năm. Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đầu tuần này, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột khi tín dụng tăng trưởng rất chậm và đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân, giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt 14% như mục tiêu đề ra, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2023.
Không có gì mới, trong phần trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vẫn đưa ra lý do chính khiến tín dụng tăng chậm là cầu tín dụng suy giảm, đơn hàng của doanh nghiệp giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân gặp khó sau đại dịch Covid-19…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng đang “đóng băng” đúng nghĩa.
“Doanh nghiệp đa phần không còn đủ điều kiện vay vốn, và thực sự không biết vay để làm gì. Vay ngắn hạn thì không có hợp đồng, vay đầu tư trung - dài hạn cũng rất rủi ro. Do khả năng trả nợ sút giảm, lòng tin của ngân hàng với doanh nghiệp cũng yếu đi, ngân hàng có tiền cũng không dám cho vay khi doanh nghiệp không có đơn hàng, không chứng minh được khả năng trả nợ. Chừng nào Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) còn chưa vượt quá 50 điểm, thì tín dụng sẽ còn đóng băng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong vài tháng tới, tín dụng khó tăng đột biến và cả năm nay, khả năng chỉ tăng tối đa 9 - 10%.
Mặc dù đánh giá cao chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, đặc biệt là nỗ lực ổn định tỷ giá, giảm lãi suất huy động và cho vay, song các chuyên gia cho rằng, chỉ riêng hỗ trợ về mặt “cung” chưa thể “bẩy” tín dụng tăng trưởng. Việc “rã đông” tín dụng phụ thuộc nhiều vào kích thích sức cầu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất, gỡ điều kiện vay vốn, cần có các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; đồng thời, phải gỡ khó cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Đẩy mạnh nhà giá rẻ để “rã băng” tín dụng
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, khó khăn của nền kinh tế hiện nay không chỉ là vấn đề ngắn hạn, mà còn là câu chuyện trung hạn, dài hạn. Cho nên, “phá băng” tín dụng là vấn đề rất khó khăn, không thể chỉ ngày một, ngày hai. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khóa còn nhiều dư địa hơn chính sách tiền tệ.
“Để phục hồi cầu tín dụng trong nước, đầu tiên, phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Song, nếu chỉ dựa vào đầu tư công, thì giống như người chỉ đi bằng một chân. Tôi cho rằng, để tín dụng phục hồi, cần phải phục hồi thị trường bất động sản trên nền tảng nhà ở giá rẻ”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Theo chuyên gia này, chúng ta phải thay đổi quan điểm đẩy mạnh nhà ở xã hội vì vướng quá nhiều điều kiện, thủ tục, thay vào đó, tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ. Muốn vậy, không nên khống chế giá, khống chế tỷ lệ lợi nhuận với nhà ở giá rẻ, không bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đối tượng mua nhà.
Nếu làm được như vậy, gói 120.000 tỷ đồng, thậm chí 200.000 tỷ đồng cũng sẽ giải ngân rất nhanh, có thể tạo sức lan tỏa cho nhiều ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất…, tạo sức bật cho tín dụng toàn thị trường. Nếu chỉ gói gọn trong nhà ở xã hội như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc, vì người có khả năng mua nhà thì không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, gói 120.000 tỷ đồng đến nay mới giải ngân được hơn 100 tỷ đồng. Hiện có 18/63 tỉnh, thành phố đã gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, tổng cộng có 53 dự án với nhu cầu vay là 27.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến giải ngân gói tín dụng này còn hạn chế, theo Thống đốc, trước hết là do cả cầu lẫn cung còn hạn chế (nguồn cung về nhà ở xã hội còn ít; người dân có nhu cầu về nhà ở lớn, nhưng khi vay mua nhà thì họ cân nhắc rất kỹ).
Thứ hai, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở...
Thứ ba, gói 120.000 tỷ đồng thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố các dự án thuộc chương trình này để các ngân hàng triển khai và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.
Chưa nên bỏ cơ chế room tín dụng
Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tuần này, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề bỏ cơ chế room tín dụng.
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất lớn; tỷ lệ dư nợ trên GDP ở mức trên 120%. Nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, nhưng cũng có thể rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Theo Thống đốc, khi các phân khúc khác của thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp phát triển, đảm bảo được nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp, thì việc bỏ room tín dụng khả thi hơn.
Đề cập room tín dụng, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam khẳng định, dù lạm phát đang được kiểm soát tốt, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam nhiều năm qua luôn trong mức bị quốc tế cảnh báo. Do đó, duy trì room tín dụng vẫn rất cần thiết để kiểm soát cung tiền, đảm bảo tín dụng tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.