Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, đặc biệt là nhu cầu định vị, tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy bởi tác động từ dịch Covid-19 đầu năm nay là những yếu tố tiền đề chi phối, khiến xu hướng dòng vốn chuyển dịch mạnh mẽ tới những vùng trũng ngày càng trở nên rõ ràng. Với những lợi thế lớn từ chính sách kinh tế mở thu hút mạnh đầu tư nước ngoài của Chính phủ, các hiệp định thương mại tự do đã đi vào thực thi, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển dịch và mở rộng các cứ điểm sản xuất thành trung tâm trung chuyển tại khu vực ASEAN.
Trong bối cảnh này, phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp đang là cuộc chơi lớn đầy tiềm năng dẫn đầu xu thế đầu tư. Đón đầu vận hội, GELEX đã có sự định hình chuyển hướng và chuẩn bị khá sớm với chiến lược kinh doanh phát triển mảng dịch vụ tiện ích phục vụ đồng bộ hạ tầng công nghiệp từ 2 năm trở lại đây. Đáp ứng định hướng phát triển trên, mảng hạ tầng có sự tăng trưởng rõ rệt trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của GELEX.
Cụ thể, doanh thu thuần mảng năng lượng tăng từ 526 tỷ đồng lên 712 tỷ đồng năm 2019, tăng 35,5% so với năm 2018, lợi nhuận gộp tăng từ 292 lên 329 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2018. Về công tác đầu tư, năm 2019, mảng năng lượng đã hoàn thành và phát điện thương phẩm đối với Dự án Trang trại điện mặt trời Ninh Thuận (tổng công suất 49 MW), chuẩn bị xong thủ tục đầu tư và khởi công 5 dự án điện gió với tổng công suất 140 MW dự kiến hoàn thành trước tháng 10/2021.
Hiện Tổng công ty đang đầu tư các dự án điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp, nhà máy của CAV, Viglacera và các đối tác với công suất dự kiến khoảng 22 MW. Đồng thời, tiếp tục khảo sát lập dự án điện gió gần bờ với tổng công suất dự kiến 800MW, điện gió Đăk Nông 200MW; điện mặt trời trang trại 550MW ở Tây Ninh và Bình Phước. Mục tiêu trong vòng 5 năm tới, GELEX hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió với tổng công suất 1.500MW.
Về mảng nước sạch, Công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành phân kỳ 1 của giai đoạn II, nâng công suất nhà máy lên 600.000 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, GELEX tập trung phát triển mạnh hệ thống chuỗi cung ứng các dịch vụ tiện ích khép kín trong toàn bộ hệ sinh thái quanh khu công nghiệp bằng việc nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án cung cấp điện mặt trời áp mái, kho công nghiệp, đầu tư các nhà máy nước để cung cấp nước cho các khu công nghiệp của Viglacera…
Nhằm tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế tương hỗ cộng sinh giữa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là sản xuất công nghiệp – thiết bị điện và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, năm 2020 - 2021, GELEX thực hiện thoái vốn lĩnh vực logistics nhằm tập trung nguồn lực mua chi phối Viglacera để tận dụng tối đa quỹ đất khu công nghiệp mà Viglacera sở hữu. Những kế hoạch đầu tư được trình thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Viglacera tương quan với định hướng phát triển của GELEX. Trong đó đáng chú ý có việc triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho các khu công nghiệp mới như Khu công nghiệp Thuận Thành - Bắc Ninh 250 ha, Huế (1.000 ha), Đồng Văn 4 mở rộng – Hà Nam (600 ha), Phú Thọ (500 ha), Tây Ninh (700 ha) và các khu công nghiệp tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.
Với kịch bản hợp nhất với Viglacera, GELEX định hướng bên cạnh đầu tư hạ tầng, điện nước, sẽ đẩy nhanh đầu tư thêm các khu công nghiệp và lấy Viglacera là nhà phát triển những khu công nghiệp này, dùng những lợi thế thương hiệu và con người của Viglacera để phát triển khu công nghiệp nhằm tối ưu hóa lợi thế hai bên. GELEX với vai trò chủ sở hữu sẽ thực hiện vai trò định hướng, tương hỗ và tạo chính sách giúp các doanh nghiệp trong hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ hơn trên vị thế dẫn đầu hiện nay.