Thật trùng hợp khi cuối năm nay, BVSC ghi dấu mốc tròn 20 tuổi hoạt động, cũng là thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) sắp tròn 20 năm mở cửa hoạt động. Xuyên suốt 2 thập kỷ vừa xây dựng, vừa phát triển cùng thị trường, ông tự hào nhất ở BVSC là những điểm gì?
Câu hỏi này khiến tôi có cơ hội hoài niệm về những ngày đầu của thị trường và của BVSC. Khi đó, mọi thứ đều mới mẻ, bỡ ngỡ, cả từ trong nhận thức lẫn cách làm. Nhưng có lẽ chính sự sơ khai thời đó mà chúng tôi đón nhận những khó khăn, thách thức một cách hồn nhiên và đầy nhiệt huyết, quy trình chưa có thì tham khảo tài liệu nước ngoài rồi cùng nhau nghiên cứu và viết, rồi tự đào tạo nhau.
Hệ thống quản lý khách hàng thô sơ trên excel cũng dần được nghiên cứu để chuyển đổi sang phần mềm BOSC. Mẫu hợp đồng, mẫu phiếu lệnh, đối chiếu sổ lệnh, đối chiếu tiền, xuất báo cáo, rồi cùng nghiên cứu tài liệu để góp ý hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường… Chúng tôi đã bắt đầu cùng với TTCK Việt Nam trong 20 năm như thế.
Đã có rất nhiều thế hệ nhân sự BVSC được trải qua quá trình đó cùng với thị trường, chúng tôi tự hào khi BVSC là một phần luôn song hành cùng với TTCK Việt Nam trên rất nhiều phương diện.
Quá trình đó cũng giúp BVSC xây dựng được một đội ngũ nhân sự vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, thấu hiểu thị trường, tính chuyên nghiệp cao, những điều cốt lõi để BVSC trở thành công ty chứng khoán uy tín tại Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Với cá nhân mình, tôi tự hào khi thuộc thế hệ nhân sự đầu tiên trên TTCK Việt Nam, cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng BVSC và cho tới nay vẫn đang cùng với tập thể BVSC tiếp tục đồng hành cùng với thị trường.
20 năm qua, TTCK Việt Nam trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, qua đó cũng để thấy rằng, do đặc thù riêng, BVSC không phải là công ty lớn nhất thị trường, nhưng dường như là công ty giữ được sự phát triển ổn định nhất. Vậy trong hành trình tiếp theo, BVSC sẽ tiếp tục bước tiếp trong sự ổn định, hay sẽ mạnh mẽ thay đổi để hướng đến sự tăng trưởng vượt trội?
Ông Nhữ Đình Hòa.
Tôi cho rằng, định hướng tăng trưởng vượt trội hay phát triển ổn định là bài toán thách thức đặt ra đối với mọi chủ thể doanh nghiệp, nhất là sau một quá trình hình thành phát triển và vị thế công ty đã được định hình rõ ràng trên thị trường. BVSC cũng không phải là ngoại lệ. Với mỗi một bài toán, vượt trội hay ổn định, khi hoạch định đều cần được xem xét gắn với các yếu tố về lợi thế hiện tại (vốn, nguồn nhân lực, thị phần, thương hiệu, nền tảng công nghệ…) như một nền tảng xuất phát, đi kèm là những kỳ vọng về môi trường kinh doanh (sự phát triển của nền kinh tế, TTCK, các thay đổi từ chính sách phát triển thị trường…) cộng với khẩu vị rủi ro của chủ sở hữu chấp nhận ở mức độ như thế nào?
Chiến lược phát triển của BVSC trong giai đoạn 2016-2020 đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua trong phiên họp thường niên 2016, thực hiện điều chỉnh trong phiên họp 2017. Năm 2020 sẽ là thời điểm để Đại hội đánh giá kết quả thực hiện chiến lược này cũng như xây dựng chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Hiện nay, BVSC là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt với tỷ lệ sở hữu chi phối, do đó định hướng phát triển của BVSC, theo quan điểm của cá nhân tôi, sẽ không nằm ngoài chủ trương của Tập đoàn Bảo Việt là hướng tới sự phát triển bền vững.
Báo cáo thường niên gần nhất của BVSC đưa ra một thông điệp rất đẹp: Kết nối nội lực, kết nối thành công, kết nối cộng đồng. Theo ông, các yếu tố tài chính, công nghệ, con người… có vai trò như thế nào để tạo nên những kết nối giá trị trong nội bộ BVSC, cũng như giữa BVSC và cộng đồng?
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 và kinh doanh trong ngành dịch vụ tài chính, nên chắc chắn tài chính, công nghệ và con người sẽ là những nhân tố cạnh tranh có tính quyết định thành bại của mỗi doanh nghiệp. Trong các nhân tố này, tôi cho rằng, con người là nhân tố trọng tâm xuyên suốt.
Con người sẽ quyết định sử dụng công nghệ và tài chính như thế nào để mang lại giá trị sản phẩm và dịch vụ thỏa mãn nhu cầu khách hàng, kết nối hiệu quả giữa các cá nhân trong tổ chức và giữa tổ chức với bên ngoài. Tận dụng lợi thế của công nghệ sẽ giúp chúng tôi kết nối nhanh và hiệu quả hơn với khách hàng, với cổ đông, từ đó BVSC có thể làm tốt hơn nữa việc minh bạch thông tin để xây dựng niềm tin với công chúng.
Công nghệ cũng giúp thay đổi tư duy và thói quen giải quyết công việc của mỗi nhân sự, từ đó chúng ta có cơ hội nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho cổ đông.
Với BVSC, công nghệ đã giúp cho cán bộ, nhân viên của BVSC kết nối thường xuyên và chủ động hơn, từ đó chúng tôi dễ dàng lan tỏa những giá trị tích cực trong nội bộ Công ty cũng như từ BVSC ra cộng đồng. Điều này là những trải nghiệm thực tế hơn một năm qua khi chúng tôi triển khai hệ thống workplace cùng với Tập đoàn.
Một số diễn giả uy tín đang chia sẻ về ý niệm doanh nghiệp hãy xây dựng và khơi lên sức mạnh mềm, thậm chí coi văn hóa công ty là yếu tố có giá trị lớn nhất, có thể tạo nên sức bền và sự phát triển khác biệt cho doanh nghiệp, chứ không phải là tài chính hay nền tảng công nghệ. Theo ông, đây có phải là điểm các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang thiếu hoặc yếu không?
Tôi nghĩ, cái thiếu và cái yếu đó hoàn toàn có thể lý giải được. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trong khi tại các nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp đã vượt trội hơn hẳn về kinh nghiệm thị trường lẫn kinh nghiệm về quản trị công ty.
Nhưng cá nhân tôi thấy rằng, xu thế 10 năm trở lại đây, xây dựng văn hóa công ty đang ngày càng được các doanh nghiệp trong nước xem trọng, đặc biệt là khi quy mô của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, xây dựng văn hóa là một điều khó, cái khó đầu tiên là việc xác định giá trị văn hóa nào là sức mạnh đặc trưng cho tổ chức của mình, cái khó thứ hai là quá trình xây dựng và phát huy những giá trị đó đòi hỏi sự kiên định và bền bỉ, cần đầu tư thời gian và tâm huyết.
Để công ty có quy mô nhỏ chừng vài chục nhân sự trên một địa bàn kinh doanh cùng chung một nề nếp, một tác phong làm việc, một cách thức ứng xử với khách hàng không quá khó, nhưng với một công ty quy mô lớn, hàng trăm thậm chí hàng ngàn người, mạng lưới kinh doanh dàn trải qua nhiều vùng miền…, thì để tìm ra một giá trị chung và cụ thể hóa giá trị chung đó thành những hành vi của mỗi cá nhân đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực, sự kiên quyết và cả sự hy sinh.
Có lẽ đây chính là rào cản lớn dẫn đến hiện trạng thiếu hoặc yếu của các doanh nghiệp Việt Nam chăng?
Tôi có niềm tin rằng, văn hóa công ty là giá trị lớn nhất, tạo nên sức bền cho doanh nghiệp. Ở BVSC, chúng tôi tâm niệm văn hóa là sức mạnh của Công ty, do đó xây dựng văn hóa công ty cũng là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện song song với nhiệm vụ phát triển kinh doanh.
Vậy khi bước qua tuổi 20, BVSC nên có sự bổ sung hay điều chỉnh nào trong các giá trị văn hóa của Công ty để thúc đẩy sự phát triển?
Xuất phát điểm ban đầu chỉ với 7 nhân sự gần như cùng một thế hệ, tới nay sau 20 năm số lượng người BVSC đã lên tới hàng trăm người với nhiều lứa tuổi khác nhau.
Trong đó, đội ngũ nhân viên thuộc thế hệ Millenials, thế hệ nhân sự ra đời gắn với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ thông tin chiếm tới 50% lực lượng lao động hiện tại và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong vòng 3-5 năm tới đây.
Đặc trưng của thế hệ này là tư duy làm việc cởi mở, suy nghĩ linh hoạt và ra quyết định nhanh chóng, đề cao quyền tự chủ và thích nghi nhanh với sự thay đổi.
Sự khác biệt về quan điểm, nhận thức về động lực làm việc và cống hiến, về tư duy và cách thức giải quyết vấn đề… giữa các thế hệ là khác nhau, nếu không thấu hiểu để thu hẹp khoảng cách nhận thức này sẽ là rào cản cho việc hợp tác trong triển khai công việc, cũng như quá trình chuyển giao giữa các thế hệ.
Trong giai đoạn 10 năm vừa qua, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều để thích nghi và phù hợp với điều kiện kinh doanh mới.
Chúng tôi đã xây dựng mô hình tập trung hóa ở một số nghiệp vụ và trong giai đoạn tới đây, Công ty sẽ thực hiện việc tập trung hóa và gắn với trao quyền để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển. Hiện chúng tôi đã bước đầu có sự chuẩn bị cho quá trình này cả trên phương diện truyền thông về sự thay đổi, lẫn những giải pháp thực thi cụ thể.
Từng là nhà tư vấn niêm yết, tư vấn bán vốn, M&A cho nhiều thương vụ lớn nhất trên TTCK Việt Nam, theo đánh giá của ông, TTCK có còn nhiều không gian để kỳ vọng sẽ thu hút các dòng vốn lớn và phát triển mạnh mẽ sau tuổi 20 không? Trong dòng chảy của thị trường như vậy, ông dự cảm như thế nào về không gian phát triển của BVSC sau tuổi 20?
Với lịch sử 20 năm, có thể nói, TTCK Việt Nam vẫn còn rất “trẻ” khi so với các thị trường đã phát triển trên thế giới, do đó tất yếu chúng ta còn nhiều không gian để phát triển và thu hút được dòng vốn lớn phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế.
Với vai trò là kênh dẫn và lưu chuyển vốn của nền kinh tế, TTCK Việt Nam đã và đang tăng trưởng một cách nhanh chóng.
Tính đến cuối tháng 9/2019, thị trường cổ phiếu đã đạt quy mô vốn hóa tương đương 81% GDP và vượt mục tiêu của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến hơn một năm.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực, giá trị vốn hóa/GDP cũng vẫn còn ở mức thấp và vì vậy, TTCK Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển, có nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh để thu hút dòng vốn lớn như việc IPO các doanh nghiệp lớn, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, các cơ hội đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp...
Cùng với đó, sang tuổi 20, TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội được xem xét nâng hạng trên trường quốc tế.
Theo tính toán của BVSC, trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE và MSCI thì thị trường có khả năng thu hút thêm ít nhất 3 tỷ USD vốn ngoại.
Bên cạnh đó, khi mở rộng thêm các sản phẩm mới như NVDR, các sản phẩm phái sinh mới như hợp đồng tương lai cổ phiếu, chứng quyền bán, swap và CDS… cũng là điểm nhấn để thu hút dòng vốn vào thị trường.
Với tiềm năng rộng mở, bằng vị thế và uy tín đã được khẳng định sau 20 năm hình thành và phát triển, BVSC tự tin nắm bắt cơ hội để tiếp tục song hành cùng thị trường, khẳng định và nâng cao vị thế Công ty trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
(*) Thế hệ ra đời gắn với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ thông tin