Tập thói quen tư duy sáng tạo ở nhân viên

Tập thói quen tư duy sáng tạo ở nhân viên

(ĐTCK) Khi thế giới ngày càng phẳng thì sự khác biệt càng có giá trị cao. Và để tạo nên những sự khác biệt thì chỉ nghĩ thôi chưa đủ, mà cần phải nghĩ thật khác. Chẳng hạn, một quả dưa hấu sẽ chỉ đơn thuần là quả dưa hấu. Nhưng nếu quả dưa đó được “sáng tạo” thành những quả dưa hình vuông, hình trái tim hay tuyệt vời hơn là có khuôn vàng chữ nổi thì giá trị sẽ tăng lên rất nhiều.

Để “kích hoạt” những cách nghĩ mới, cách làm mới, nhiều công ty đã có những cách làm khá thú vị.

Chẳng hạn, có lãnh đạo doanh nghiệp theo học tại FSB cho biết thường xuyên yêu cầu nhân sự nỗ lực tối đa để “rặn” ra càng nhiều ý tưởng càng tốt.

Công ty thường xuyên có những buổi đào tạo để nhân viên tập thói quen đặt mục tiêu cho mỗi vấn đề cần suy nghĩ, phải tìm ra được ít nhất 15 ý tưởng.

Nguyên tắc quan trong là tất cả các ý tưởng đều được chào đón, không ai được phép phê phán. Chỉ khi kết thúc hoạt động nhóm mới đánh giá lại từng ý tưởng để lọc ra ý tưởng tốt nhất. Những ý tưởng ban đầu có thể theo lối mòn tư duy, nhưng càng về sau sẽ càng vượt xa cách tư duy thông thường. Đó có thể là những ý tưởng sáng tạo và khác lạ.

Doanh nghiệp này còn có kinh nghiệm khá thú vị, đó là thường xuyên yêu cầu nhân viên tư duy vấn đề của mình bằng việc đọc sách, xem báo, hoặc hỏi ý kiến của những người xung quanh, của các chuyên gia…

Khi nhân viên phát hiện ra một ý tưởng nào đó thú vị có liên quan đến công việc thì cần chớp lấy để đề xuất cho một quá trình sáng tạo mới.

Đơn cử, khi một bạn làm tư vấn marketing cho một trường phổ thông, bạn đang trăn trở về việc xuất bản một quyển sách để lan truyền trong giới học sinh THPT nhưng chưa biết chọn đề tài gì để khai thác. Bạn ấy lên mạng tìm kiếm và bất chợt nhìn thấy cách “phiên âm” những công thức khó nhớ thành những câu đùa thú vị, từ đó, bạn ấy hình thành nên ý tưởng về quyển sách “Bí quyết ghi nhớ công thức X”.

Thực tế, cũng có nhiều ý tưởng có thể nảy sinh khi kết hợp những sự kiện, hình ảnh, chủ đề... không hề liên quan lại với nhau. Các sự vật càng không liên quan, thì ý tưởng tạo ra càng độc đáo bởi những ý tưởng này không thể sinh ra từ cách nghĩ thông thường.

Ví dụ, công ty nọ cần tổ chức một số sự kiện cho các doanh nhân. Xoay quanh chủ đề này, họ đưa ra những cụm từ thông thường như lãnh đạo, quản trị, hoa hậu, chân dài… và ghép thành các đường chéo nhau, từ số lượng ý tưởng đó, họ lọc lại và đã chọn ra những ý tưởng khả thi nhất, hay nhất. Nhân viên của doanh nghiệp đã phát triển thêm để đưa ra vài sự kiện hấp dẫn dành cho giới doanh nhân.

Cũng có doanh nghiệp kích thích sự sáng tạo của nhân viên bằng yêu cầu suy nghĩ vấn đề theo hướng ngược lại (ngược hoàn toàn hoặc một phần) để tạo ra những ý tưởng mới.

Việc này sẽ trái với cách đi thông thường của lối mòn tư duy nên có khả năng sản sinh ra các ý tượng lạ. Với những công ty hay người hay phải sáng tạo thì cách làm này khá hữu hiệu.

Chẳng hạn, doanh nghiệp từng đau đầu tìm ý tưởng cho việc “Nên tổ chức lớp học gì để các nhân viên trẻ sống tốt hơn”, có người trả lời “Nên tổ chức lớp học kỹ năng sống”. Nhưng có người đã đi ngược lại bằng ý tưởng “Tổ chức lớp học bên bờ tử thần”, nhân viên được tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, chăm sóc và hỗ trợ người bệnh nặng, sau khóa học họ đều trả lời muốn sống tốt hơn.

Khá nhiều sản phẩm ở các doanh nghiệp đã được hình thành theo lối tư duy này như quả không hạt, chuột (máy tính) không dây…

Tin bài liên quan