Tập hợp chữ ký, nhóm cổ đông Địa ốc Hoàng Quân (HQC) phản đối hoãn Đại hội cổ đông, yêu cầu tổ chức đại hội bất thường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ đông muốn tham gia nắm quyền điều hành tại Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC - HOSE) đang tập hợp chữ ký gửi kiến nghị về quyết định gia hạn thời gian tổ chức đại hội cổ đông và hủy danh sách chốt quyền tham gia đại hội ngày 7/2 của HĐQT công ty vì không đúng Luật Doanh nghiệp.
Tập hợp chữ ký, nhóm cổ đông Địa ốc Hoàng Quân (HQC) phản đối hoãn Đại hội cổ đông, yêu cầu tổ chức đại hội bất thường

Theo thông tin của Đầu tư Chứng khoán, nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu HQC đang tập hợp chữ ký để kiến nghị đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về quyết định của Hội đồng quản trị HQC dời ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 (dự kiến tổ chức vào ngày 26/03/2022 tại quận 7, TP.HCM) và hủy danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng 07/02/2022 của Công ty với lý do “Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cuộc họp”.

Nhóm cổ đông lớn cho rằng, Nghị quyết của HĐQT và hành động gia hạn cuộc họp ĐHĐCĐ với lý do nêu trên của HQC có khả năng vi phạm quyền lợi cổ đông công ty, nên phản ánh đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE một số ý kiến.

Theo nhóm cổ đông này, trong công văn mới nhất gửi các công ty đại chúng lưu ý các vấn đề liên quan đến việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Ủy ban Chứng khoán đã lưu ý về thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên cần tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 139, Luật Doanh nghiệp 2020: “ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp ĐHĐCĐ thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.

Sau khi đối chiếu với Điều lệ Công ty không thấy có quy định nào khác, nhóm cổ đông, cho rằng, lý do của HĐQT Công ty đưa ra để gia hạn cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 không phải là “trường hợp cần thiết” theo quy định của pháp luật.

Lý do theo nhóm cổ đông này là bởi HĐQT Công ty không cung cấp được thông tin, bằng chứng nào cho thấy rằng tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang có diễn biến phức tạp tại thời điểm ban hành văn bản xin gia hạn cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên (ngày 21/3/2022) hoặc sẽ diễn biến phức tạp đến mức không thể tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ vào ngày dự kiến (ngày 26/3/2022).

"Sáng nay, ngày 22/3/2022, trên website Bộ Y tế thông tin rằng, theo Báo cáo về đánh giá cấp độ dịch ngày 21/3/2022 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, từ ngày 14/3 đến 20/3/2022, TP.HCM không còn phường/xã ở cấp độ 3, 4 (vùng cam, đỏ). Như vậy, dường như HĐQT Công ty đã tự ý cho rằng “tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp” tại TP.HCM, trong khi không hề có một kết luận hay thông tin chính thức nào từ phía Bộ Y tế, Sở Y tế hoặc Ủy ban nhân dân TP.HCM", công văn của nhóm cổ đông cho biết.

Cũng theo nhóm cổ đông này, Nghị quyết 25/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cũng đã đề cập đến nội dung “Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu” nhằm cho thấy dịch bệnh Covid-19 đã và sẽ không thể được xem như một lý do để gây trở ngại trong việc phục hồi, phát triển kinh tế, sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Với tư cách một công ty đại chúng có quy mô lớn trên thị trường, Công ty HQC chắc chắn phải biết và có kinh nghiệm trong tình hình dịch bệnh chung thì cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như thế nào để vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường, lường trước các tình huống đảm bảo cho công tác chuẩn bị đại hội diễn ra suôn sẻ.

"Chúng tôi không tin rằng, một doanh nghiệp uy tín với bề dày hoạt động lại có thể thiếu kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và tổ chức một sự kiện quan trọng như cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên như Công ty đã viện lý do. Bên cạnh đó, Công ty cũng không cung cấp được thông tin, bằng chứng nào về việc công tác chuẩn bị đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức không thể tổ chức được cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên", theo nhóm cổ đông.

Ngoài ra, theo nhóm cổ đông trên, giả sử vấn đề dịch bệnh khiến cho việc tổ chức họp trực tiếp có thể không an toàn cho các cổ đông dự họp, tại sao Công ty HQC không lựa chọn áp dụng phương pháp họp trực tuyến (đã được quy định trong Điều lệ Công ty) và đã được nhiều đơn vị khác áp dụng thành công để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất những năm 2020, 2021?

Việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên bằng phương pháp họp trực tuyến đã được tổ chức thành công trong nhiều năm vừa qua, nhưng HĐQT Công ty không đề xuất áp dụng mà chỉ đơn giản yêu cầu hoãn cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.

Bên cạnh đó, trong điều kiện tình hình dịch bệnh hiện tại ở TP.HCM, rất nhiều công ty niêm yết khác vẫn đăng ký tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên bình thường trong tháng 03/2022, cho thấy rằng “tình hình dịch bệnh” không phải là một trở ngại đối với việc tổ chức cuộc họp.

Từ những phân tích nêu tại trên, nhóm cổ đông cho rằng, lý do HQC đưa ra để gia hạn cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 không phải là “trường hợp cần thiết” theo quy định của pháp luật, vì vậy, đã vi phạm quy định của Điều 139, Luật Doanh nghiệp 2020.

Với việc HĐQT Công ty chỉ đưa ra một thông báo với nội dung không hợp lý, không có chứng cứ chứng minh để hoãn cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, được cho là một hành động mang tính tùy tiện, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của HĐQT, đã vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý theo quy định tại khoản 4, Điều 115, Luật Doanh nghiệp 2020.

“Vì những lẽ trên, chúng tôi kính đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh xem xét nội dung của Công ty HQC đưa ra trong để hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 với lý do “Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cuộc họp” không phải là “trường hợp cần thiết” theo quy định của pháp luật, và có ý kiến phản hồi đối với vấn đề này”, văn bản của nhóm cổ đông nêu rõ.

Nhóm cổ đông cũng yêu cầu HĐQT Công ty triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường theo đúng quy định của Điều lệ Công ty. Cụ thể, HĐQT phải triệu tập họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhóm cổ đông.

Lý do triệu tập cuộc họp: HĐQT đã vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý theo quy định tại khoản 4, Điều 115, Luật Doanh nghiệp 2020.

Mục đích cuộc họp: Thông qua các nội dung của Chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã được Công ty thông báo trước đó, và bầu lại thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của Công ty.

Tin bài liên quan