Tập đoàn Toda, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam đầu tư năng lượng xanh

0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Toda, Nhật Bản sở hữu công nghệ xây dựng Turbine điện gió nổi ngoài khơi sâu, có thể hỗ trợ Việt Nam cùng thực hiện các dự án năng lượng xanh, tiến tới Net Zero vào năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Toda Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Toda Nhật Bản.

Ngày 21/12, tại trụ sở Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Toda Nhật Bản.

Chủ tịch Tập đoàn Toda, Imai Masanori cho biết, Tập đoàn đang sở hữu công nghệ xây dựng Turbine điện gió nổi ngoài khơi sâu, đây là công nghệ đặc thù và ít nơi trên thế giới có được. Đồng thời, Toda cũng là đơn vị đầu tiên được cấp phép về sản xuất điện gió nổi ngoài khơi vùng biển sâu tại Nhật Bản, với lợi thế này, Tập đoàn có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện đầu tư các dự án năng lượng xanh.

Công nghệ điện gió nổi ngoài khơi có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, có thể lắp đặt tại các cảng biển hoặc những hòn đảo nhỏ. Tại các vùng biển ở Nhật Bản Toda đang thi công trang trại điện gió, nguồn điện sản xuất tại địa phương không phải nhập khẩu.

Theo đánh giá của Tập đoàn Toda, thực tế công nghệ điện gió nổi ngoài khơi sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam, ngoài ra với các ưu điểm có thể tận dụng nguồn lực có sẵn tại đại phương cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế.

"Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã có tuyên bố chung về cùng nhau hợp tác phát triển mục tiêu trung hòa carbon. Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp vốn cho Tập đoàn Toda để thực hiện các nghiên cứu về tiềm năng điện gió nổi ngoài khơi ở Việt Nam", ông Imai Masanori thông tin.

Tập đoàn Toda đề xuất hợp tác với các Bộ, ban ngành của Việt Nam, trong đó có Bộ Công thương để triển khai dự án này. Cụ thể, Toda đề xuất xây dựng trạm đặt máy đo thông tin gió tại vùng biển Bình Thuận của Việt Nam nhằm lấy dữ liệu báo cáo cụ thể để đưa ra đánh giá thực tế và đầy đủ về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để cụ thể hóa cam kết tại COP26 về mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, từ nay đến 2040 Việt Nam sẽ đẩy mạnh khai thác tiềm năng gió gần bờ, xa bờ để cung ứng cho nhu cầu điện năng của đất nước cũng như để xuất khẩu.

Hiện tại, Việt Nam mới có điện gió trên bờ, gần bờ với 4.000MW, dự kiến sẽ phát triển lên 10.000MW vào năm 2025. Các thiết bị và linh kiện cho việc xây dựng, lắp đặt điện gió trên bờ vẫn chủ yếu là nhập khẩu nên giá điện từ những nguồn này còn cao. Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương đầu tư và thu hút đầu tư để nghiên cứu sản xuất tại chỗ và khai thác tại chỗ nhằm giảm giá thành về mức hợp lý các nguồn điện gió trên bờ, điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi.

"Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, là tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng việc khai thác này không dễ thực hiện do mức đầu tư quá lớn. Việc sản xuất điện gió bao gồm trên bờ, gần bờ, ngoài khơi giá thành cao, do phụ thuộc vào giá thành, công nghệ", Bộ trưởng Diên nói.

Được biết, trong tuyên bố chung giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản và Chương trình hợp tác giữa Bộ Công thương và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) về lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, 2 bên cam kết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác trong đầu tư, nghiên cứu phát triển năng lượng sạch trong đó có năng lượng gió trên bờ và năng lượng gió ngoài khơi.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã tuyên bố gói hỗ trợ 10 tỷ USD cho việc chuyển đổi năng lượng ở châu Á và thống nhất chọn Việt Nam là nước triển khai thí điểm chương trình này nên đề xuất của Toda trong việc hợp tác nghiên cứu, sản xuất và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng gió và nguồn năng lượng tái tạo khác.

Tin bài liên quan