Giá cổ phiếu biến động
Sau khi giảm sàn trong phần lớn thời gian giao dịch ngày 28/6/2019, cổ phiếu TNI của Tập đoàn Thành Nam đang niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã kịp hồi phục về cuối phiên và đóng cửa tại mức giá tham chiếu 10.300 đồng/cổ phiếu, tạm kết thúc chuỗi giảm điểm 6 phiên liên tiếp (với 2 phiên giảm sàn), mất gần 20% giá trị vốn hóa.
Niêm yết từ tháng 5/2017, sau một thời gian giao dịch sôi động, cổ phiếu TNI đã hầu như chỉ đi ngang tại vùng giá dưới 10.000 đồng/cổ phần trong những tháng cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, giao dịch bất ngờ khởi sắc trở lại với những đợt sóng tăng, giảm mạnh với biên độ 30 - 40%.
Chẳng hạn, thị giá TNI đã bứt phá 47%, từ hơn 9.000 đồng/cổ phiếu lên trên 13.000 đồng/cổ phiếu trong nửa đầu tháng 4/2019 với liên tiếp nhiều phiên tăng trần, nhưng sau đó giảm trở lại vùng giá quanh 10.000 đồng/cổ phiếu.
Những đợt tăng giá của TNI diễn ra trùng với thời điểm số cổ phiếu phân phối lại từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu năm 2018 hết thời gian hạn chế chuyển nhượng, đem lại mức lợi nhuận tốt cho những nhà đầu tư tin tưởng vào doanh nghiệp cách đây 1 năm.
Cụ thể, vào tháng 1/2018, TNI đã chốt danh sách cổ đông để chào bán 31,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1,5 để tăng vốn điều lệ từ 210 tỷ đồng lên 520,5 tỷ đồng với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc đợt chào bán, lượng cổ phiếu còn lại được TNI phân phối riêng lẻ với thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm (đến ngày 12/3/2019).
Từ biến động giá cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết thúc quý I/2019, báo cáo tài chính của Công ty cho biết, dù doanh thu tăng trưởng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng các chi phí bán hàng, quản lý và lãi vay đồng loạt gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế thu về chỉ đạt 5,8 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, giá vốn vượt doanh thu đã khiến TNI thua lỗ 11,5 tỷ đồng trong quý IV/2018. Theo Công ty, nguyên nhân do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến lĩnh vực kinh doanh thép bị ảnh hưởng. Cụ thể, các doanh nghiệp Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ đã đẩy mạnh tìm đầu ra sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, khiến các doanh nghiệp nội địa bị cạnh tranh gay gắt và phải giảm giá để giải quyết hàng tồn nhập từ trước.
Có thể thấy, bức tranh mảng kinh doanh thép của TNI khá giống với các doanh nghiệp trong ngành khi lợi nhuận cả doanh nghiệp sản xuất và thương mại thép trên sàn niêm yết đều đồng loạt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ trong quý IV/2018 và quý I/2019. Tuy nhiên, những tháng gần đây, thị trường thép đảo chiều đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động của TNI có nhiều diễn biến tích cực hơn.
Nguồn vốn: Bài toán đáng lưu tâm
TNI tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Nam, thành lập năm 2004, chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2010. Tháng 5/2017, cổ phiếu TNI niêm yết trên sàn HOSE với vốn điều lệ 210 tỷ đồng. Mua, bán các sản phẩm inox cán nóng, cán nguội, inox trang trí dạng tấm, cuộn, ống… là hoạt động kinh doanh chính đem về gần như toàn bộ doanh thu của Công ty những năm qua.
Đối tác cung cấp lớn của TNI hiện nay có thể kể đến như Global Posco Co.Ltd, China Steel Sumikin Việt Nam, Global Steel Co.Ltd, Huyndai Corporation… Trong khi đó, 90% doanh thu đến từ thị trường nội địa.
Trong năm 2018, doanh thu của TNI đã tăng trưởng 47,5%, đạt 1.547,1 tỷ đồng, tuy nhiên, tình hình kinh doanh khó khăn của ngành thép, đặc biệt là việc thua lỗ trong quý IV/2018 khiến lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2017, không hoàn thành kế hoạch năm.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn, từ năm 2018, TNI đã đẩy mạnh đầu tư sang mảng kinh doanh bất động sản. Tại Quảng Ninh, trong năm 2018, Công ty đã nhận chuyển nhượng 84,9% vốn góp tại CTCP Vườn đào Hạ Long - là công ty thực hiện dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ trên diện tích 8.632 m2, dự kiến xây dựng 250 phòng khách sạn, 800 căn hộ để bán và 7.769 m2 trung tâm thương mại.
Tại Đà Nẵng, TNI đang thực hiện dự án tại lô A1.1 đường Hoàng Sa trên diện tích 2.039 m2 với kế hoạch xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ cao 29 tầng gồm 360 căn hộ và 969 m2 trung tâm thương mại.
Đầu tháng 8/2018, Công ty công bố ký kết hợp đồng thi công với CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Theo đó, Hòa Bình được làm tổng thầu phụ trách thiết kế và thi công xây dựng của cả 2 dự án.
Trong bối cảnh bất động sản cả nước tiếp tục giao dịch sôi động, việc sở hữu các dự án phát triển bất động sản được đánh giá đem lại cho TNI tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, câu chuyện vốn đang là bài toán khó đối với TNI khi giá trị tạm tính của 2 hợp đồng xây dựng dự kiến khi ký kết vào khoảng 2.800 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Để triển khai được các hoạt động kinh doanh mới, bài toán vốn là vấn đề đáng lưu tâm với TNI. Báo cáo tài chính của TNI cho thấy, trong số 1.007,8 tỷ đồng tổng tài sản đến cuối năm 2018, Công ty có số tiền và tương đương tiền vỏn vẹn 15,7 tỷ đồng, khá thấp so với doanh nghiệp hoạt động thương mại. Trong quý I/2019, số dư tiền, tiền gửi các loại của TNI giảm xuống chỉ còn 6,3 tỷ đồng. Trong khi phải thu tiếp tục tăng lên 593,9 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản.
Cổ đông nội bộ vi phạm công bố thông tin?
Theo công bố thông tin của HOSE, trong 4 phiên giao dịch từ 27/5 đến 30/5, bà Nguyễn Giang Thanh, thành viên Ban kiểm soát TNI đã mua vào 399.000 cổ phiếu và bán ra 389.200 cổ phiếu TNI. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 16/5/2019, bà Nguyễn Hồng Vân, thành viên Ban kiểm soát đã mua vào 74.610 cổ phiếu và bán ra 70.060 cổ phiếu.
Báo cáo giao dịch của cổ đông Nguyễn Hồng Vân được công bố lên cổng thông tin của HOSE ngày 7/6. Tương tự, giao dịch của cổ đông Nguyễn Giang Thanh đến ngày 14/6 được công bố lên cổng thông tin
của HOSE.
Gần đây nhất, qua cổng thông tin HOSE, bà Nguyễn Hồng Vân tiếp tục đăng ký bán 200.000 cổ phiếu trong thời gian từ 11/6 đến 27/6/2019, nhưng qua cổng thông tin của UBCK (congbothongtin.ssc.gov.vn), cổ đông này đã có báo cáo giao dịch bán khớp lệnh 200.000 cổ phiếu ngay trong ngày 10/6. Tiếp đó, cổ đông Nguyễn Hồng Vân đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu từ ngày 10/6/2019 đến ngày 10/7/2019. Nhưng trên cổng thông tin của HOSE không ghi nhận kết quả và thông báo đăng ký giao dịch của cổ đông này.
Về vấn đề này, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo TNI cho biết, 2 nhân sự trên mới được bầu vào Ban Kiểm soát của TNI và chưa nắm vững các quy định về pháp luật chứng khoán nên đã sơ suất trong khi giao dịch cổ phiếu. Công ty và cổ đông đã có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán và HOSE. “Sau sự việc này, chúng tôi đã phổ biến lại quy định với các cổ đông nội bộ để cùng rút kinh nghiệm”, lãnh đạo TNI chia sẻ.
Lãnh đạo Tập đoàn Thành Nam cho biết, so với quý IV/2018, nửa đầu năm 2019, diễn biến giá thép theo hướng ổn định và tăng nhẹ, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của Công ty. Bên cạnh mặt hàng truyền thống là thép không gỉ, TNI đã mở rộng và phát triển ổn định một số mặt hàng thép mới.
Công ty đã thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản đặt ra như cà rốt, chanh, chuối, quế… sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Oman… Ban lãnh đạo Công ty xác định đây sẽ là một mặt hàng chiến lược đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong những năm tới.
Về hoạt động tại lĩnh vực bất động sản, với dự án tại Đà Nẵng, Thành Nam đã lựa chọn được đối tác để hợp tác và hiện đang trong giai đoạn xin các thủ tục cấp phép xây dựng. Dự kiến quý IV năm nay sẽ được sự chấp thuận chủ trương của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đặc biệt, đối với dự án tại Quảng Ninh, nhờ vị trí đắc địa ở mặt đường Bãi Cháy, thuộc khu trung tâm Hạ Long, đối diện với công viên đại Dương của Sungroup, đây được coi là dự án chiến lược của TNI trong định hướng đầu tư phát triển căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng.