"Tàu thủy" lại xin làm điện, thép
Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chấp thuận Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná do liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và Tập đoàn Lion Diversiffied Holding Behard (Malaysia) làm chủ đầu tư.
Theo đó chủ đầu tư là Công ty Maju Stabil Sdn Bhd (thành viên của Tập đoàn Lion) và Vinashin muốn đăng ký thành lập Công ty TNHH thép Vinashin-Lion tại Ninh Thuận với tổng vốn điều lệ là 12.480 tỷ đồng (780 triệu USD), trong đó vốn góp của Maju Stabil chiếm 70% còn Vinashin chiếm 30%.
Dự án sẽ sử dụng 1.650ha đất, giai đoạn I là 662 ha. Sẽ xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ôxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội cùng cơ sở hạ tầng phụ trợ gồm 2 nhà máy điện công suất 1.450 MW và cảng biển công suất 50 triệu tấn/năm.
Quy mô công suất khu liên hợp thép là 4,5 triệu tấn thép/năm giai đoạn I (từ 2008-2010) và dự kiến sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm (giai đoạn II) với tổng số vốn lên đến gần 10 tỷ USD, nguồn nguyên liệu là quặng sắt, than cốc nhập khẩu và mua trong nước, sản phẩm sản xuất ra sẽ phục vụ cho nhu cầu trong nước, nhất là cho công nghiệp đóng tàu và xuất khẩu.
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, việc thực hiện dự án sẽ tạo bước tăng trưởng đột phá với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh. Vì vậy đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch các ngành thép, điện và cảng biển cả nước, chấp thuận về mặt chủ trương cho phép thực hiện khu liên hợp thép.
Quá nhiều dự án xin đầu tư vào thép
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến nay, Chính phủ đã cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho các dự án gồm: Dự án Guang Lian Steel Việt Nam 100% vốn nước ngoài tại khu kinh tế Dung Quất, công suất 5 triệu tấn thép thô/năm; Dự án Posco (Hàn Quốc) tại Bà Rịa - Vũng Tàu công suất giai đoạn I là 0,7 triệu tấn/năm, giai đoạn II dự kiến sẽ tăng công suất của nhà máy cán thép nguội lên 1,5 triệu tấn/năm và xây dựng một nhà máy mới để cán thép nóng với công suất 3 triệu tấn/năm, hoàn thành vào cuối năm 2012; Dự án Nhà máy thép cán nóng liên doanh Tập đoàn Essar (Ấn Độ) với Tổng công ty Thép, Tổng công ty cao su Việt Nam tại Bà Rịa Vũng Tàu công suất 2 triệu tấn/năm và Dự án Liên hợp thép của Tập đoàn Formosa (100% vốn Đài Loan) tại Hà Tĩnh công suất giai đoạn I là 7,5 triệu tấn/năm (hoàn thành vào 2013) và giai đoạn II nâng lên 15 triệu tấn/năm.
Tới đây sẽ có thêm Dự án Liên hợp thép Thạch Khê (Hà Tĩnh) do Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn thép Tata của Ấn độ với công suất 4,5 triệu tấn/năm được cấp phép.
Bên cạnh đó, Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc) cũng đang xin đầu tư Dự án liên hợp thép tại Vân Phong (Khánh Hoà) với số vốn khoảng 5 tỷ USD và sản lượng khoảng 5 triệu tấn thép/năm.
Một dự án mới được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng nữa là của Công ty FRRO China (Trung Quốc), tổng đầu tư 5 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, còn có dự án Nhà máy thép không gỉ của Tập đoàn Samoa Qian Ding Group (Đài Loan) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng đầu tư 700 triệu USD, công suất 0,72 triệu tấn/năm, được cấp phép tháng 11/2005 nhưng tới nay vẫn im ắng.
Thép: Dự báo dư thừa công suất lớn
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thì đến năm 2010 Việt Nam sẽ cần khoảng 10 triệu tấn thép các loại, tới năm 2015 là 15 triệu tấn và tới năm 2020 là 20 triệu tấn/năm. Với nhu cầu này, đủ điều kiện cho việc sản xuất thép quy mô cỡ liên hiệp. Đây chính là cơ hội lớn của ngành công nghiệp thép Việt Nam, nhưng với sự "bùng nổ" đầu tư các dự án thép cũng đang báo hiệu sự dư thừa công suất lớn.
Theo tính toán, với 4 dự án của Tổng công ty Thép, Tổng công ty Xi măng Việt Nam với tập đoàn Tata (4,5 triệu tấn); Dự án của Tập đoàn Formosa (7,5 triệu tấn); Dự án của Tổng công Thép, Tổng công ty cao su với Essar (2 triệu tấn) và Dự án Posco ( Hàn Quốc) tại Bà Rịa -Vũng Tàu (3 triệu tấn) thì đến 2015 sản xuất thép đã có công suất trên 15 triệu tấn, đấy là chưa kể công suất thép cả nước hiện tại có 6 triệu tấn.
Cũng theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Tập đoàn Lion Diversiffied Holding Behard là tập đoàn kinh doanh đa ngành và không thuộc hàng ngũ các công ty sản xuất thép lớn trên thế giới. Vả lại tại
Xu hướng đầu tư đa ngành của các tập đoàn kinh tế, chuyện có đáng mừng? Ảnh ghép minh họa
Bộ Công Thương cũng cho biết, đối tác nước ngoài là Công ty Maju stabil Sdn. Bhd mới được thành lập ngày 24/5/2007 chưa có tiếng tăm trong lĩnh vực sản xuất thép, công ty mẹ là Lion Diversiffied Holding Behard cũng không thuộc hàng ngũ các công ty sản xuất thép lớn trên thế giới có thể đảm bảo thành công của 1 dự án lớn.
Tập đoàn Vinashin là đơn vị chế tạo tàu thuỷ, trong lĩnh vực sản xuất thép và điện còn thiếu kinh nghiệm nguồn lực tài chính có hạn lại đang triển khai đồng loạt nhiều dự án vì vậy việc thu xếp vốn chắc sẽ gặp khó khăn.
Các cơ quan chức năng yêu cầu Vinashin phải chứng minh được tính hiện thực của nguồn vốn góp cho dự án. Sau khi có yêu cầu này, tỉnh Ninh Thuận cho biết, Vinashin sẽ điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của mình trong dự án xuống còn 25%!
Trong thời gian vừa qua, Vinashin đã rút ra khỏi liên doanh dự án liên hợp thép 5 triệu tấn với tập đoàn Posco tại Vân Phong (Khánh Hoà). Theo dự kiến ban đầu, Vinashin sẽ đầu tư 1 tỉ USD trong tổng số 4 tỉ USD của dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép. Vinashin đã quyết định không đầu tư vốn vào một số dự án khác ngoài lĩnh vực kinh doanh chính mà Vinashin dự kiến tham gia như dự án xây dựng cảng Hòn La (Quảng Bình), dự án thành lập Ngân hàng cổ phần thương mại công nghiệp VN.
Ngoài ra, cũng nhằm thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ, trên 40 dự án khác (tổng đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng) cũng được Vinashin dừng và giãn tiến độ đầu tư gồm các dự án đóng tàu, dự án đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển vận tải biển…
Nhưng với dự án Liên hợp thép tại Ninh Thuận thì Vinashin vẫn theo đuổi. Theo tỷ lệ góp vốn cứ cho là 25% và tổng dự án gần 10 tỷ USD thì không biết liệu Vinashin có thu xếp được vốn. Trước đây Vinashin cũng đã từng đề nghị đầu tư vào sản xuất điện với công suất lên tới 8.000MW và vốn đầu tư 8 tỷ USD nhưng đã không nhận được sự đồng tình từ các cơ quan chức năng.
Đầu năm 2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có công văn giao các bộ: Công thương, Tài nguyên và môi trường và Hiệp hội Thép VN thực hiện kỹ việc thẩm định các dự án đang hoặc sắp đầu tư vào ngành thép.
Theo đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm qui trình thẩm định các dự án đầu tư sản xuất thép, tập trung thẩm định kỹ các nội dung như: trình độ kỹ thuật công nghệ, năng lực tài chính của nhà đầu tư, thiết bị và giải pháp bảo vệ môi trường để tránh tình trạng dự án đầu tư được cấp phép mà không triển khai đầu tư hoặc chủ đầu tư lợi dụng nhập khẩu thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao điện năng, nguyên vật liệu cao, không đủ điều kiện bảo vệ môi trường.