Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản mua lại công ty phân phối thực phẩm Đại Tân Việt

Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản mua lại công ty phân phối thực phẩm Đại Tân Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản đã mua lại Công ty Cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy) trong một động thái tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư tại Việt Nam.

Theo Nikkei Asia, mặc dù mạng lưới hậu cần thực phẩm của Việt Nam chưa được phát triển đầy đủ nhưng đây là một thị trường Đông Nam Á rộng lớn, mà cơ hội kinh doanh dự kiến sẽ mở rộng cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp quốc tế muốn sử dụng công nghệ và chuyên môn của họ để phát triển thị trường phân phối thực phẩm trong nước.

Được thành lập từ năm 1997, Đại Tân Việt là một trong những nhà nhập khẩu và phân phối nguyên liệu thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Công ty đạt doanh thu 320 triệu USD vào năm 2022. Công ty đã thực hiện phân phối 2.000 - 6.000 sản phẩm tầm trung cho các khách sạn và nhà hàng cao cấp.

“Thông qua việc sáp nhập này, Tập đoàn Sojitz tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư tại Việt Nam bằng cách tích hợp chuyên môn của New Viet Dairy vào phạm vi hoạt động toàn diện trong lĩnh vực phân phối nguyên liệu sữa và các sản phẩm từ sữa cho ngành công nghiệp và dịch vụ thực phẩm”, theo thông báo đăng tải trên website của Đại Tân Việt.

Sojitz đã hợp tác với Vinamilk để xây dựng tổ hợp trang trại chăn nuôi bò và chế biến thịt bò theo phong cách Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD. Sojitz cũng giúp mở cửa hàng tiện lợi Ministop tại Việt Nam.

Thông qua các hoạt động này, Sojitz đã thâm nhập vào ngành phân phối thực phẩm thượng nguồn và hạ nguồn của Việt Nam.

Makoto Shibuya, Giám đốc tài chính của Sojitz cho biết: “Mục tiêu là hòa vốn của doanh nghiệp Việt Nam trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024”.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang gia nhập lĩnh vực phân phối thực phẩm của Việt Nam. Công ty thương mại Marubeni của Nhật Bản đã mua lại cổ phần của AIG Asia Components - nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam.

AIG được cho là đã bán hơn 1.500 sản phẩm thực phẩm cho hơn 1.200 khách hàng doanh nghiệp. Marubeni cũng là cổ đông của Acecook Việt Nam, công ty con của nhà sản xuất mì ăn liền Acecook của Nhật Bản.

Dân số Việt Nam ước tính vượt 100 triệu người trong năm nay, đưa nước này lên vị trí thứ ba về dân số ở Đông Nam Á. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người đã tăng trên 4.000 USD vào năm ngoái.

Là một quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam đang ở vị trí mà chi tiêu tiêu dùng nhìn chung đang tăng trưởng với tốc độ nhanh. Năm 2022, thị trường bán lẻ đạt tổng trị giá 4,2 triệu tỷ đồng (174 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại), tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong thập kỷ qua.

Nhưng so với nền kinh tế đang phát triển nhanh, quá trình hiện đại hóa mạng lưới phân phối thực phẩm lại có phần tăng trưởng chậm hơn. Thương mại hiện đại - thuật ngữ được sử dụng cho các doanh nghiệp có cấu trúc chặt chẽ hơn với việc kiểm soát nhiệt độ và quản lý vệ sinh - được cho là chỉ chiếm khoảng 10% thị trường.

Ở các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản và Hàn Quốc, thương mại hiện đại chiếm 80%-90% thị trường. Các cuộc khảo sát cho thấy thương mại hiện đại đã đạt được mức thâm nhập khoảng 50% ở Thái Lan và 30% ở Indonesia.

Mạng lưới phân phối thực phẩm hiện đại hóa sẽ tạo thêm không gian cho các chuỗi bán lẻ phát triển. Việt Nam dự kiến sẽ dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc mở cửa hàng vào năm tới vốn đã cản trở việc mở rộng của các chuỗi cửa hàng nước ngoài, có khả năng mang lại làn gió chính sách thuận lợi cho thương mại hiện đại.

Golden Resources Development International - vận hành các cửa hàng tiện lợi Circle K tại Việt Nam - có kế hoạch mở rộng mạng lưới khoảng 20% lên 500 cửa hàng vào cuối năm tới. Chuỗi GS25 do GS Retail của Hàn Quốc điều hành đang phát triển nhanh chóng với hơn 200 cửa hàng. Ministop với 138 cửa hàng Việt Nam vào cuối năm tài chính 2022 cũng đặt mục tiêu đạt 500 cửa hàng vào năm tài chính 2025.

Diễn đàn M&A việt nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu, công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023. Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay, khách tham dự sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Tin bài liên quan