Một dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu tại Sao Ta.

Một dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu tại Sao Ta.

Tập đoàn PAN (PAN): Năm 2021, lợi nhuận tăng 53% lên 509,8 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 và luỹ kế năm 2021. 

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 9.972,5 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 509,8 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho cổ đông công ty mẹ đạt 295,3 tỷ, tăng gần 60% so với năm 2020.

Công ty cho biết thêm bất chấp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2021, đặc biệt làn sóng covid-19 lần thứ tư gây tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những thành tựu đáng tự hào với việc hoàn thành vươt các mục tiêu tăng trưởng một cách ấn tượng, tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021, góp phần đưa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục, ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn của năm 2021 một cách ngoạn mục. Trong đó, Tập đoàn PAN đã sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và để lại nhiều dấu ấn trong bức tranh tươi sáng của toàn ngành nông nghiệp.

Trong quý IV/2021, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn đạt 3.570 tỷ đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 278 tỷ đồng tăng 83,4%. Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 9.972,5 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020. Các mảng có tăng trưởng tốt về doanh thu gồm tôm xuất khẩu (19%), giống cây trồng (tăng 18%), hoa xuất khẩu (tăng 64%), cá tra (tăng 7%), nước mắm truyền thống (tăng 11%), nông dược và khử trùng (tăng 8%).

Về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm đạt 509,8 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 295,3 tỷ, tăng gần 60% so với 2020. Kết quả này đã bao gồm lợi nhuận tài chính từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty CP Khử trùng Việt Nam (mã chứng khoán VFG - sàn HOSE), sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại VFG lên trên 50% và hợp nhất báo cáo tài chính.

Xét riêng lợi nhuận cốt lõi từ hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ là 205 tỷ, vẫn đạt tăng trưởng gần 10% so với 2020, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn năm 2021. Các mảng kinh doanh có quy mô lớn và tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế bao gồm: mảng tôm xuất khẩu, tăng trưởng 27%; mảng giống cây trồng, tăng trưởng 16% và mảng hạt và snack, tăng trưởng 61%. Cá tra và nước mắm cũng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng lần lượt là 133% và 25%, ở quy mô nhỏ hơn.

Năm 2022, Tập đoàn có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi vừa được ĐHĐCĐ thông qua. Động lực trong thời gian tới sẽ đến từ những nhà máy đang chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng như nhà máy đóng chai nước mắm thành phẩm tại Nha Trang và 2 nhà máy chế biến tôm tại Sóc Trăng.

Ngoài ra, các điểm đáng quan tâm có thể kể đến như việc công ty thành viên VFG nhận chuyển giao phân phối các sản phẩm nông dược quan trọng từ Syngenta cuối tháng 2, việc nâng tỉ lệ sở hữu tại Bibica lên 100%, thành công của giống lúa mới VNR20 cũng như hiệu quả ngày càng tăng của các mảng kinh doanh khác được kỳ vọng là những điểm nhấn trong năm tài chính 2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, cổ phiếu PAN đóng cửa giá tham chiếu 29.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan