Theo đó, ngày 14/12 là ngày đăng ký cuối cùng tham gia Đại hội cổ đông bất thường năm 2021, thời gian thực hiện là 10/01/2022. Được biết, Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ; miễn nhiệm thành viên HĐQT; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Trước đó, PAN thông qua Nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Cụ thể, Công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành thêm hơn 235 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 2.163,6 tỷ đồng lên 4.521,89 tỷ đồng theo 3 hình thức.
Bao gồm, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5:2, tương ứng cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới, tối đa 86,54 triệu cổ phiếu mới được phát hành;
Chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tối đa công ty sẽ chào bán thêm là 108,18 triệu cổ phiếu mới;
Đồng thời, chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 90% bình quân giá đóng cửa 10 phiên liền trước ngày HĐQT quyết định phương án chào bán chi tiết, tối đa 41,1 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian dự kiến thực hiện là trong năm 2022 hoặc thời gian khác theo quyết định của HĐQT, ngay sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu thêm Công ty dự kiến thực hiện các mục đích gồm đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả, nâng cao lợi ích tổng thể cho Tập đoàn; Đầu tư M&A các công ty mới với các tiêu chí là các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, có hệ thống quản trị nội bộ minh bạch, đạt hiệu quả kinh doanh tốt hoặc có triển vọng phát triển cao trong 5 - 10 năm tới, có chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển chung trong chuỗi giá trị Nông nghiệp – Thực phẩm, hướng tới mục tiêu sở hữu chi phối;
Đầu tư ngắn hạn và trung hạn vào các sản phẩm đầu tư an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ, tối ưu hoá nguồn vốn; Góp vốn/tăng vốn cho các công ty thành viên, phục vụ mục đích đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh gồm thuỷ sản, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, nông nghiệp; hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các công ty thành viên, phục vụ sản xuất, mở rộng kinh doanh; Tái cơ cấu khoản vay, bổ sung vốn lưu động.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2021, PAN ghi nhận doanh thu đạt 2.554,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 73,04 tỷ đồng, lần lượt giảm 4,3% và 12,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 15,9% lên 18,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 10,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 43,8 tỷ đồng lên 467,4 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 19,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 16,3 tỷ đồng về 66 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 57,5 tỷ đồng lên 395,7 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 6.401,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 231,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,5% và 30,1% so với cùng kỳ.
Năm 2021, PAN đặt kế hoạch doanh thu thuần là 10.025 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 419 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,4% và 25,7% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 55,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/12, cổ phiếu PAN giảm 50 đồng về 40.350 đồng/cổ phiếu.