Henri Giscard d'Estaing

Henri Giscard d'Estaing

Tập đoàn nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu thế giới "bán mình" cho đối tác Trung Quốc

(ĐTCK) Trong một vài ngày tới, có thể ngay trong tuần này, Club Mediterranee (Club Med), tập đoàn sở hữu chuỗi resort, làng nghỉ dưỡng cao cấp nổi tiếng của Pháp sẽ ký thoả thuận với Tập đoàn Fosun International (Trung Quốc) về thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa hai tập đoàn. Theo đó, Fosun sẽ mua lại Club Med với giá 939 triệu euro (1,13 tỷ USD), tính theo giá cổ phiếu là 24,60 euro/cổ phiếu.

Cuối tuần trước (vào ngày 2/1/2015), Tập đoàn Global Resorts SAS của Italia (do doanh nhân Andrea Bonomi, quốc tịch Italia đứng đầu) đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Fosun trong cuộc chạy đua mua bán này đã chính thức bỏ cuộc. Động thái này đặt dấu chấm hết cho cuộc đua tranh giành quyền thâu tóm Club Med kéo dài gần 2 năm qua (bắt đầu từ tháng 5/2013, trải qua 8 vòng đặt giá, khi giá ban đầu được đưa ra chỉ là 17 euro/cổ phiếu).

“Ban lãnh đạo Global Resorts nhận thấy giá cổ phiếu của Club Med trở nên quá cao và đây không còn là cơ hội đầu tư đối với Global Resorts nữa”, ông Andrea Bonomi giải thích về lý do rút lui của mình.

Báo chí Pháp chưa bình luận nhiều về vụ này, song thông tin "Club Med sắp rơi vào tay người Trung Quốc” đã làm không ít người dân Pháp nhớ lại vụ mua bán khá ồn ào diễn ra vào đầu tháng 12/2014, khi Tập đoàn Symbiose của Trung Quốc đã “chịu chơi” bỏ ra 308 triệu euro, cao hơn đối thủ là các nhà đầu tư Pháp tới 20% để mua lại 49,9% cổ phần của sân bay Toulouse-Blagnac, nằm gần nhà máy của Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus tại TP. Toulouse, miền Nam nước Pháp.

Trở lại với thương vụ Fosun mua lại Club Med. Tháng 5/2013, khi cuộc đua giành quyền mua lại Club Med bắt đầu, ông Andrea Bonomi - thông qua Global Resorts - là cổ đông lớn nhất của Club Med (nắm 18,9% cổ phần), trong khi Fosun sở hữu 18,4% cổ phần của Club Med. Tức là khá ngang sức, ngang tài.

Về thực lực tài chính thì Fosun mạnh hơn, bởi ông chủ Fosun là tỷ phú Guo Guangchang, quốc tịch Trung Quốc. Theo ước tính mới nhất của Tạp chí Forbes (Mỹ), Guo Guangchang hiện có tổng tài sản khoảng 4,3 tỷ USD. Được thành lập năm 1992, có trụ sở chính tại Thượng Hải (Trung Quốc), Fosun hiện là tập đoàn kinh doanh đa ngành, gồm khai khoáng, bất động sản, du lịch….

Để theo đuổi thương vụ mua lại Club Med, Global Resorts đã hợp tác với Tập đoàn đầu tư tư nhân Kohlberg Kravis Roberts (KKR) của Mỹ tạo thành một đội, trong khi Fosun cũng thành lập tổ hợp Gaillon Invest II với thành phần gồm Fosun (nắm 62,6% cổ phần), Công ty bảo hiểm Fidelidade (Bồ Đào Nha) sở hữu 20%, Công ty đầu tư tư nhân Ardian (Pháp) nắm 5,8%; Công ty Du lịch U-Tour (Trung Quốc) với 8,7% và… Ban lãnh đạo Club Med nắm 2,9%. Ngay từ đầu, Fosun đã kéo được Ban lãnh đạo Club Med, đứng đầu là ông Henri Giscard d'Estaing, 58 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) đứng về phe mình. Đây là yếu tố hết sức quan trọng. Hơn nữa, Fosun còn cam kết, sau khi mua lại, Ban lãnh đạo Club Med sẽ được giữ nguyên.

Chính vì vậy, cuộc ganh đua dù khá cân sức, kéo dài, nhưng lại không khó đoán trước được kết cục.

Nhiều nhà phân tích am hiểu nội tình nhận xét, ông Henri Giscard d'Estaing chính là con trai của ông Valery Giscard d'Estaing, nguyên Tổng thống Pháp (từ năm 1974 đến 1981), là CEO Club Med từ năm 2002 có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc tranh đua này. Ông được đào tạo rất cơ bản. Sau khi có bằng cử nhân về khoa học nghiên cứu về chính trị tại l'Institut d'études politiques (Sciences Po) tại Paris (Pháp), ông Henri Giscard d'Estaing đã theo học lấy bằng thạc sỹ về kinh tế.

Trước khi gia nhập Club Med vào năm 1997, ông đã từng làm việc cho các công ty Danone, Evian (đều của Pháp). Nói chung, ông có nhiều kinh nghiệm kinh doanh và các mối quan hệ. Ông đứng về phe nào thì phe đó có cơ hội thắng rất lớn. Song tại sao ông lại “kết” với đối tác Trung Quốc, mà không phải là người láng giềng ở Italia?

Trong bài phỏng vấn riêng cho tờ Le Figaro (Pháp) ngày 7/1/2015, ông Henri Giscard d'Estaing khẳng định: “Bằng cách hợp tác với Fosun, Club Med sẽ có cơ hội trở thành số 1 thế giới trong lĩnh vực hoạt động của mình”.

Ông lý giải, Trung Quốc là thị trường khách hàng đầy tiềm năng và phát triển mạnh nhất của Club Med. Ở khu vực châu Á, các khu resort tại Phukhet (Thái Lan), đảo Maldive, Bali (Indonesia)… của Club Med luôn được du khách giàu có của Trung Quốc ưa chuộng. Năm 2013, 80% trong số 25.000 khách hàng mới của Club Med là người Trung Quốc và Brazil.

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, Club Med làm ăn thua lỗ. Cụ thể, năm 2014, Club Med có doanh thu ước đạt 1,38 tỷ euro, song bị lỗ 12 triệu euro. Tuy đang làm ăn thua lỗ, nhưng Club Med vẫn là thương hiệu rất sáng giá ở phân khúc hạng sang trong thị trường nghỉ dưỡng toàn cầu. Vì thế, Fosun quyết theo đuổi Club Med đến cùng.

Club Med hiện sở hữu 70 resorts tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 13.000 nhân viên.     

Tin bài liên quan