Tập đoàn lớn trong vòng xoáy lừa đảo online - Bài 1: Trả lãi suất khủng theo… phút

Tập đoàn lớn trong vòng xoáy lừa đảo online - Bài 1: Trả lãi suất khủng theo… phút

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để lừa đảo bằng nhiều hình thức.

Lời Tòa soạn: Các tổ chức, đối tượng lừa đảo đang nhắm vào các tổ chức tài chính - ngân hàng, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để lừa đảo bằng nhiều hình thức, như giả mạo website, kêu gọi đầu tư dự án của tập đoàn, giả mạo nhân viên doanh nghiệp để dụ dẫn. Điều này nếu không có giải pháp quyết liệt, thì không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp.

Bài 1: Trả lãi suất khủng theo… phút

Coteccons, tập đoàn xây dựng tư nhân lớn của Việt Nam công bố, không có bất kỳ động thái kêu gọi đầu tư vào dự án trên các kênh thông tin khác, hay các trang web lấy tên miền doanh nghiệp này với đuôi khác.

Góp vốn 20 phút, “ẵm” tiền ngay

Nửa đêm, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của M.Uyên, Giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM, với giọng nói lo lắng: “Coteccons làm ăn có tốt không anh? Bạn em bên Mỹ đang nhờ em chuyển tiền của bạn ấy do em giữ cho tập đoàn này để hùn vốn làm ăn. Tính ra tiền Mỹ, thì bạn ấy muốn góp cả 20.000 USD…”.

Tôi thất kinh: “Dừng lại ngay! Coteccons đã IPO rồi, huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu, không dùng cá nhân hay web nào huy động tiền mặt từ người dân chuyển khoản cả. Khả năng là lừa đảo!”. M.Uyên lặng người, rồi lầm bầm: “Đã chuyển được 1 đợt tiền rồi! Để em dừng lại!”.

Nhưng không phải ai cũng còn may như trường hợp trên. Mới đây, chúng tôi nhận được hàng loạt kêu cứu của người dân, kể cả giới đầu tư về việc đã chuyển tiền tham gia đầu tư dự án được giới thiệu là của Coteccons, theo những chào mời hấp dẫn trên cả website lẫn facebook.

N.V.Tuấn (một nhà đầu tư ở TP.HCM) cho hay, trên website https://coteccons.online “xưng” là web “quỹ nội bộ Coteccons” kêu gọi người dân trong và ngoài nước góp vốn đầu tư vào hàng loạt dự án được cho là do tập đoàn này đang thực hiện với lãi khủng, siêu nhanh, tính bằng phút.

Cụ thể, với Dự án Xây dựng và nâng cấp sửa chữa Khu đô thị mới (không nêu rõ khu đô thị gì, ở đâu…), nếu góp tối thiểu 5 triệu đồng trong thời gian 20 phút, sẽ hưởng lãi suất 1,50%, tức sẽ được 75.000 đồng trong… 20 phút. Với Dự án Xây dựng trung tâm thương mại (cũng không nêu rõ ở đâu, như thế nào), mức góp tối thiểu 20 triệu đồng, trong 20 phút sẽ có thu nhập tới 572.000 đồng (lãi suất 2,86%).

Dự án Xây dựng Khu nghỉ dưỡng và Resort 6 sao, góp cổ phần tối thiểu 60 triệu đồng, sẽ nhận lãi 3,12%, tức hưởng ngay 1.872.000 đồng chỉ trong… 20 phút. Hoặc góp tối thiểu 150 triệu đồng cho Dự án Xây dựng Bệnh viện đa khoa quốc tế, cũng trong 20 phút, sẽ “ẵm” lãi suất 4,23%, tức hưởng 6.345.000 đồng; góp 500 triệu đồng cho Dự án Xây dựng nhà máy trên các khu công nghiệp, trong 20 phút có thu nhập 27,8 triệu đồng; góp 1 tỷ đồng cho Dự án… xây dựng thêm đập thủy điện, sẽ được lĩnh 68,6 triệu đồng chỉ sau… 20 phút.

Khi đăng nhập web trên và trao đổi, sẽ có ngay bộ phận chăm sóc khách hàng lo từ “A tới Z”. Và khi đồng ý chuyển tiền, sẽ có người xưng là đại diện công ty cung cấp tài khoản ngân hàng (tài khoản trong nước) để chuyển tiền.

Sừng sỏ đầu tư cũng dính bẫy

N.V.Tuấn vốn là dân khá “sừng sỏ” trong đầu tư bất động sản, cổ phiếu. Lần này, Tuấn đã chuyển gần 1 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Xây dựng Bệnh viện đa khoa quốc tế và Dự án Xây dựng nhà máy trên các khu công nghiệp theo chào mời từ web trên.

N.V.Tuấn phân tích, cổ phiếu, trái phiếu thời điểm này bất ổn, nhiều rủi ro, đặc biệt bất động sản ngâm vốn lâu. Còn bệnh viện hay khu công nghiệp là nhu cầu thiết yếu, cấp thiết của người dân và doanh nghiệp, được ủng hộ, không quá phức tạp pháp lý như bất động sản, nên tập đoàn lớn như Coteccons “dư sức” làm và nhanh. Lãi suất tuy không cao, nhưng nhanh.

Bởi thế, N.V.Tuấn đã lập tức “chuyển tiền nhanh 24/7” vào tài khoản Ngân hàng Techcombank cho người nhận xưng tên Van Ninh, Phó ban quản lý dự án của Tập đoàn.

Tương tự, H.Liên (quản lý một nhà hàng tại TP.HCM) cũng chuyển tiền nhanh tới 4 lần, với hàng trăm triệu đồng vào tài khoản Ngân hàng Techcombank cho người nhận xưng tên Van Ninh nêu trên. Theo H.Liên, người xưng Van Ninh còn lập cả facebook “văn phòng Coteccons” và đăng nhiều hình ảnh của tập đoàn này, kể cả các chương trình đào tạo quản lý, nhân sự cấp cao. H.Liên được một người bạn quen trên… mạng xã hội rủ đầu tư. Người này nói đã tham gia và nhiều lần hé lộ các thu chi thể hiện nhận lợi nhuận “khủng”, khiến Liên tin “sái cổ”.

Rút tiền thì… mất thêm tiền

Khi nghe chúng tôi phân tích website thật, website lừa và các dấu hiệu lừa đảo online, cũng như việc Coteccons “xịn” chỉ huy động vốn bằng cổ phiếu…, H.Liên thất kinh, vội vã thực hiện lệnh rút tiền trên web https://coteccons.online. Sau vài phút, web tự động hiện lên mức phạt 2 triệu đồng đối với tài khoản mà H.Liên đăng ký trên đây với lỗi “rút lui” không tiếp tục đầu tư.

Sau khi nạp tiền phạt, bộ phận chăm sóc khách hàng trên https://coteccons.online lại yêu cầu chuyển tiền cho web này để… đóng thuế thu nhập cá nhân. “Họ kêu em phải đóng gần 18 triệu đồng nữa mới được rút tiền. Nếu quá hạn không nạp tiền, sẽ đóng băng tài khoản. Nhưng không biết đóng rồi lại còn lỗi gì nữa. Em làm theo đúng hướng dẫn mà!”, H.Liên lo lắng.

Cả N.V.Tuấn và Việt kiều bên Mỹ nêu trên cũng bị tương tự. Đây thực chất là chiêu “bẫy trong bẫy”, nhưng chưa phải cấp độ tinh vi, tột cùng nhất. Tức là sau khi giăng bẫy như mạng nhện mọi ngóc ngách, lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng, tổ chức tội phạm tiếp tục cài “bẫy trong bẫy”, tấn công tâm lý nhắm vào những điểm yếu nhất của con người là sự tiếc của, tuyệt vọng và thiếu hiểu biết, tạo ra một vòng lặp khiến nạn nhân của một vụ lừa đảo có thể trở thành mục tiêu của những vụ lừa đảo tiếp theo.

Theo Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), ở cấp độ đầu tiên của “bẫy trong bẫy”, băng nhóm lừa đảo thường đưa ra các lý do như sự cố kỹ thuật, nạp tiền muộn… để buộc nạn nhân phải đóng tiền phạt và chiếm đoạt tiếp số tiền này.

Trong trường hợp người bị hại nộp quá nhiều và biết mất trắng mà báo cơ quan chức năng, thì sẽ tiếp tục dính “bẫy trong bẫy” cấp độ tới “tột cùng”. Tức nhóm lừa đảo sẽ giả mạo luôn cả 3 cấp hành pháp là cán bộ công an, viện kiểm sát, thậm chí cả thẩm phán tòa án, tạo thành bẫy lừa đa tầng. Với bẫy này, băng nhóm lừa đảo sẽ vét đến đồng xu cuối cùng, nếu nạn nhân chưa dừng... kêu cứu. Đáng sợ hơn, băng nhóm lừa đảo khiến nạn nhân hoang mang, tuyệt vọng và mất niềm tin vào sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ các cơ quan chức năng.

Coteccons “xịn” thế nào?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng lừa đảo nhắm vào Coteccons “xịn” từ khoảng đầu năm 2024. Thời điểm đó, doanh nghiệp nhận được thông báo về một số website, kênh thông tin giả mạo thương hiệu Coteccons đang hoạt động. Các trang này thường đưa ra những thông tin không chính xác và tiềm ẩn nguy cơ mất cắp dữ liệu, thông tin cá nhân, kêu gọi đầu tư và lừa đảo.

Coteccons “xịn” đã gửi cảnh báo tới khách hàng, đối tác. Theo đó, tập đoàn này khẳng định, website, facebook, Youtube, Instagram, Tiktok, LinkedIn chính thức và duy nhất của Coteccons là https://www.coteccons.vn; https://www.facebook.com/CotecconsJSC; https://www.youtube.com/c/CotecconsGroupChannel;https://www.instagram.com/cotecconsjsc; https://www.tiktok.com/@cotecconsjsc; https://www.linkedin.com/company/cotecconsgroup/.

“Tất cả các thông tin về sản phẩm, dự án, tin tức và liên hệ đều được cập nhật chính xác trên trang này. Chúng tôi không có bất kỳ động thái kêu gọi đầu tư vào dự án, trả phí để được tuyển dụng trên bất kỳ kênh thông tin nào khác”, Coteccons nêu rõ và cho biết, còn lại tất cả trang web hay mạng xã hội, dù mang tên miền Coteccons, nhưng có “đuôi” khác, như https://coteccons.online là giả mạo để lừa đảo.

Từ đó, tập đoàn này khuyến nghị khách hàng, đối tác và cộng đồng luôn kiểm tra địa chỉ website và chỉ sử dụng các kênh chính thức bên trên để truy cập thông tin liên quan đến Coteccons, đồng thời luôn cẩn trọng trước những website có tên miền lạ hoặc nhận được yêu cầu giao dịch từ các kênh giả mạo Coteccons để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho mọi giao dịch.

Tìm hiểu của chúng tôi, các dự án từ thương mại, bất động sản, khu công nghiệp… mà Coteccons “xịn” xây dựng và công bố chính thức đều rõ ràng tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh thực, chứ không “u u, minh minh” như trên https://coteccons.online.

Trước phản ánh của chúng tôi với việc vẫn bùng ra lừa đảo nêu trên, một đại diện phụ trách pháp lý của Coteccons cho hay, vừa đề nghị công ty gửi các cơ quan chức năng yêu cầu chặn app lừa đảo và xử lý các cá nhân liên quan.

(Còn tiếp)

PHÁT HIỆN THÊM 68 WEBSITE GIẢ MẠO THƯƠNG HIỆU TRONG THÁNG 6/2024

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, chỉ trong tháng 6/2024, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tiếp tục phát hiện 68 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo, được phát tán trên không gian mạng.

Như vậy, chỉ tính trong 4 tháng gần đây, tổng số website giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức đã lên tới gần 300, trong đó tháng 3 phát hiện 100 website, tháng 4 là 42 website và 71 là số trang web giả mạo thương hiệu bị phát hiện trong tháng 5. Còn tính tổng tới thời điểm này, NCSC đã ghi nhận 124.928 địa chỉ website giả mạo các cơ quan, tổ chức Việt Nam.

Theo NCSC, mục tiêu hướng đến của các đối tượng lừa đảo là lừa người dân thông qua giả mạo các website của cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính - ngân hàng, các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan