Ngày 6/11, tại Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương, Tập đoàn LEGO bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống, thiết bị tại nhà máy để chuẩn bị cho việc đưa vào vận hành từ đầu năm 2025.
Theo tiến độ được Tập đoàn LEGO thông báo, tính đến đầu tháng 11/2024, tiến độ xây dựng và lắp đặt thiết bị tại nhà máy đã đạt khoảng 90%.
Giai đoạn vận hành thử nghiệm là bước khởi đầu của quy trình kiểm tra và chạy thử kéo dài nhiều tháng nhằm đảm bảo khi được cấp giấy phép vận hành vào đầu năm 2025, nhà máy có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn nghiêm ngặt như tất cả các nhà máy LEGO trên toàn thế giới.
“Việc thử nghiệm và cân chỉnh các máy ép nhựa và dây chuyền đóng gói tại nhà máy đánh dấu cột mốc quan trọng cho thấy dự án đang triển khai đúng tiến độ. Điều này có được là nhờ sự hỗ trợ của các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, cùng sự đồng hành của các đối tác và đội ngũ nhân viên”, ông Jesper Hassellund Mikkelsen, Phó chủ tịch cấp cao khối sản xuất châu Á, kiêm Tổng giám đốc Nhà máy LEGO Việt Nam của Tập đoàn LEGO nói tại buổi lễ vận hành thử nhà máy.
Ông Jesper Hassellund Mikkelsen cho biết thêm, LEGO đang đẩy mạnh tuyển dụng, dự kiến năm 2025 số lượng nhân viên của LEGO sẽ tăng gấp 3 lên gần 1.000 người.
Nhà máy của LEGO tại Bình Dương được thiết kế để trở thành nhà máy LEGO bền vững nhất từ trước đến nay, hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay, tập đoàn đã lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái với tổng công suất dự kiến khoảng 7,34 MWp, tương đương với điện năng cần thiết cho 1.270 hộ gia đình trong một năm.
Còn dây chuyền đóng gói tại nhà máy sẽ sử dụng túi giấy thay cho loại túi nhựa để đóng gói những viên gạch LEGO. Nhà máy cũng hướng đến mục tiêu không tạo ra rác thải chôn lấp như tại các nhà máy khác của Tập đoàn LEGO.
“Với chúng tôi, phát triển bền vững không chỉ là một lời cam kết, đó còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Tập đoàn LEGO nói chung và nhà máy tại Việt Nam. Chúng tôi mong rằng trẻ em sẽ được tiếp tục kế thừa một hành tinh xanh, giống như mỗi viên gạch LEGO mà chúng tôi tạo ra với sứ mệnh khơi nguồn sáng tạo và đi cùng năm tháng cho các thế hệ tương lai.” ông Jesper Hassellund Mikkelsen nhấn mạnh việc phát triển bền vững.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Jesper Hassellund Mikkelsen cho biết, sau khi đi vào vận hành chính thức cần thêm từ 2-3 năm để nhà máy vận hành ổn định.
Sau đó, Tập đoàn LEGO sẽ đánh giá hiệu quả đầu tư và tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và sự phát triển của thị trường LEGO sẽ tính toán mở rộng đầu tư giai đoạn tiếp theo.
Dù vậy, ông đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của thị trường đồ chơi trẻ em ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vì đây là thị trường có dân số đông, mức tăng trưởng kinh tế cũng khá tốt.
Nhà máy của LEGO tại Bình Dương có diện tích 44 ha (tương đương với 62 sân bóng đá), bao gồm 5 tòa nhà: khu văn phòng, trung tâm năng lượng, khu vực ép nhựa và đóng gói, kho hàng tự động và các công trình khác với tổng diện tích 150.000 m2.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.