Với quy định mới đây tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN, các nhà đầu tư hoàn toàn có quyền lựa chọn cụm từ này trong tên riêng khi thực hiện đăng ký kinh doanh của công ty mẹ, cho dù công ty này được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn.
Tuy nhiên, Nghị định 139 cũng khẳng định rõ rằng, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật DN. Và việc tổ chức hoạt động của tập đoàn hoàn toàn do các công ty thành lập tập đoàn tự thoả thuận và quyết định. Có nghĩa là nhà đầu tư không thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh đề nghị đăng ký tập đoàn A, tập đoàn B, mà đây chỉ là hình thức nhóm công ty có tư cách pháp nhân độc lập. Nhóm công ty này được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác. Nhóm công ty này gắn bó với nhau trên cơ sở lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác và do hai cấp DN trở lên tạo thành và hoạt động dưới hình thức công ty mẹ-công ty con.
Như vậy, rất rõ ràng là quyền chủ động tập hợp để tạo nên tập đoàn hoàn toàn do các nhà đầu tư quyết định và không cần phải xin phép hay đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nào. Việc sử dụng tập đoàn trong tên riêng của công ty mẹ chỉ là nhằm mục tiêu làm rõ hơn tổ chức của công ty theo mong muốn của chính nhóm công ty đó, chứ không phải căn cứ theo một tiêu chí cụ thể hay một quy định mang tính pháp lý nào.
Quy định này cũng chấm dứt tình trạng nhiều cán bộ quản lý nhà nước luôn phân vân khi quyết định đăng ký đầu tư cho DN có cụm từ tập đoàn trong tên vì không biết DN đó có đủ tiêu chí, đủ năng lực “làm” tập đoàn hay không. Thậm chí, trước khi nghị định này ra đời, đã có đề nghị phải đưa ra căn cứ về quy mô của tập đoàn kinh tế làm cơ sở theo dõi hoạt động của mô hình này.
Đương nhiên, rất có thể quy định này sẽ mở ra khả năng xuất hiện hàng loạt các loại “công ty cổ phần tập đoàn” tới đây. Song, vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, không có ý nghĩa tiêu cực theo hướng chạy đua “lên đời” mà phản ánh một xu thế tích cực trong các DN tư nhân. Đó là việc tăng cường liên kết để tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn, tổng hợp hơn. Chính bản thân các DN trong nhóm sẽ quyết định mối liên kết bền vững hay lỏng lẻo cũng như khả năng duy trì mối liên kết này mà không cần phải có bất cứ sự can thiệp nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Vấn đề cần thiết trong quản lý nhà nước ở mô hình này có lẽ là hướng dẫn chế độ báo cáo tài chính hợp nhất, giám sát hoạt động tài chính của tập đoàn kinh tế, của nhóm công ty mẹ-công ty con thuộc tập đoàn kinh tế, cũng như giám sát được các quy định về hạn chế cạnh tranh, chống lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường hoặc lạm dụng vị thế độc quyền, nhằm đảm bảo nhóm công ty hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật. Kinh nghiệm hoạt động của các tập đoàn kinh tế trên thế giới cho thấy, “bệnh” của tập đoàn khá nhiều và rất khó kiểm soát như các hoạt động giao dịch nội gián, chuyển vốn, chuyển giá…
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, các nội dung này vẫn đang là bài toán không dễ giải đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành. Riêng về việc kiểm soát vị thế độc quyền, tập trung kinh tế của các tập đoàn kinh tế hiện nay, một số chuyên gia Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thừa nhận, hầu như chưa có được những cơ chế giám sát hữu hiệu và việc phát hiện phần lớn nhờ… báo chí.