Theo đó, HP Enterprise sẽ chuyên cung cấp các dịch vụ phần cứng (gồm máy chủ - server, thiết bị lưu trữ dữ liệu), phần mềm cho khách hàng doanh nghiệp, còn HP Inc. chuyên sản xuất và bán máy tính cá nhân (PC) và máy in. Về việc phân công lãnh đạo, bà Meg Whitman sẽ là CEO của HP Enterprise, đồng thời là Chủ tịch của HP Inc., trong khi ông Dion Weisler, hiện phụ trách mảng PC, máy in của HP sẽ đảm nhiệm chức CEO của HP Inc. Bà Patricia Russo, nguyên Chủ tịch và CEO Alcatel-Lucent sẽ làm Chủ tịch HP Enterprise.
Xét về mặt quyền lực, về cơ bản, bà Meg Whitman vẫn làm việc cả “hai mang”, trực tiếp điều hành HP Enterprise, đồng thời tham gia hoạch định đường lối chiến lược của HP Inc.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu của HP tại Sở GDCK New York (Mỹ) đã tăng 4,74%, lên 36,87 USD/cổ phiếu. Thực tế này chứng tỏ quyết định chia tách trên của HP là khá thuận, không vấp phải sự phản đối của giới đầu tư và các cổ đông. Kể từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của HP đã tăng gần 26%.
Điều đáng chú ý nhất ở đây là, ý tưởng chia đôi HP hoàn toàn không mới. Cách đây 3 năm, ông Leo Apotheker, CEO HP khi đó đã đề xuất việc này, song sau đó ít lâu vì một số lý do khác nhau, ông bị mất chức, nên không thể theo đuổi kế hoạch. Lên nắm quyền CEO HP, chính bà Meg Whitman là người phản đối kịch liệt nhất đề xuất trên và cho “xếp xó” luôn, vậy mà nay bà lại quyết tâm thực hiện bằng được. Tức là quan điểm của bà về vấn đề này đã thay đổi 180 độ.
Lý giải cho quyết định của mình, bà Meg Whitman cho biết, việc chia tách sẽ giúp cả hai công ty “có được sự linh hoạt cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sự biến đổi nhanh trên thị trường. Tôi đã xin ý kiến của các cổ đông và đều nhận được sự ủng hộ của họ. Đây là thời điểm thích hợp để HP tách ra thành 2 bộ phận độc lập, hoạt động trong 2 lĩnh vực khác nhau và có khả năng phản ứng linh hoạt hơn, mau lẹ hơn trước những diễn biến khôn lường của thị trường”, bà Meg Whitman nói.
Chủ tịch Yahoo Maynard Webb đã từng có 7 năm làm việc với bà Meg Whitman tại eBay nhận xét: “Bà là con người quyết đoán, dũng cảm trước quyết định của mình. Nếu bà đã công bố việc này với thế giới thì chính là bởi bà đã hoàn toàn tin rằng, đây là việc cần phải làm”.
Ông Arnaud Gagneux, chuyên gia phân tích của Hãng CCS Insight cho rằng, việc tách HP thành 2 mảng riêng cũng có cái thuận ở chỗ doanh thu, lợi nhuận của chúng tương đương nhau. Doanh thu năm 2013 của HP đạt 112,3 tỷ USD, trong đó phần đóng góp của 2 bộ phận này là 50/50. Hai công ty sẽ có cổ phiếu niêm yết riêng. Hiện tại, giá trị vốn hoá thị trường của HP là 66 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 380 tỷ USD của Microsoft và 596 tỷ USD của Apple. Dự kiến, việc chia tách này sẽ hoàn tất sau 1 năm, vào tháng 10/2015.
HP được 2 ông Bill Hewlett và Dave Packard thành lập năm 1939 và mang tên của 2 ông. Tập đoàn HP hiện có hơn 317.500 nhân viên (tính đến ngày 31/3/2014) và sau khi chia tách, việc tinh giản biên chế là việc riêng của từng công ty.
Một số nhà phân tích nhận xét, bấy lâu nay, dường như xu thế mua bán và sáp nhập (M&A) là phổ biến, thắng thế, chứ hiện tượng chia nhỏ là khá hiếm. Thế nhưng, trong vòng 2 - 3 tuần trở lại đây, một số tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn phương án chia tách.
Cách đây 2 tuần, Tập đoàn điện tử Philips (Hà Lan) đã thông báo quyết định chia đôi thành 2 công ty độc lập, một công ty chuyên sản xuất máy móc, thiết bị y tế; một công ty khác chuyên cung cấp các sản phẩm chiếu sáng.
Tuần trước, Hãng đấu giá trực tuyến eBay (Mỹ) cũng vừa tuyên bố sẽ tách dịch vụ thanh toán PayPal thành một công ty độc lập, dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa cuối năm 2015. Thông tin trên đã giúp cổ phiếu eBay tăng hơn 6% ngay tại phiên giao dịch sau đó. Được thành lập năm 1998, PayPal đã được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002 và nay lại ra ở riêng. Doanh thu quý II/2014 của PayPal đạt 1,95 tỷ USD, tăng tới 20% so với quý II/2013, trong khi tổng doanh thu của eBay chỉ tăng 9%.
Trở lại với trường hợp HP. Nhiều người trong cuộc đều phấn khởi ra mặt trước quyết định chia đôi HP. Họ đã phát biểu thẳng thắn với báo giới đại ý rằng, cứ “riêng rẽ khoẻ ăn” mà lại hay. Thành công hay thất bại của từng bộ phận sẽ minh bạch hơn; sẽ không thể xảy ra chuyện gánh vác hay đỡ cho nhau như trước.