Được biết, HSG dẫn đầu ngành tôn thép tại Việt Nam với 37% thị phần tôn mạ và hơn 18% thị phần ống thép, đồng thời là DN xuất khẩu hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Vậy định hướng phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới như thế nào?
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn trong 10 - 20 năm tới và Tập đoàn Hoa Sen cũng như các DN khác có nhiều cơ hội đón đầu thời cuộc nhằm tạo được sự phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, thị trường vật liệu xây dựng khá phân tán, do vậy có khoảng trống rất lớn để các DN phát triển mô hình kinh doanh trung tâm phân phối vật liệu xây dựng hiện đại.
Tập đoàn Hoa Sen hiện tại có đầy đủ khả năng về vốn, hệ thống quản trị, chuỗi cung ứng… để phát triển chuỗi trung tâm phân phối vật liệu xây dựng và tôi tin rằng, đây là một định hướng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó, do vậy trong vấn đề triển khai cần hết sức thận trọng, cụ thể là phải chọn được công ty tư vấn chuyên nghiệp, tìm mua được phần mềm quản trị, tuyển dụng được đội ngũ điều hành có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, cũng như thiết lập được quy trình đào tạo khoa học hiệu quả… Đây là khối lượng công việc khổng lồ và hết sức quan trọng, nếu triển khai không hợp lý, không đồng bộ thì rủi ro khá cao. Do vậy, trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất ĐHCĐ thông qua chủ trương nghiên cứu đề án chiến lược phát triển và ủy quyền cho HĐQT xem xét lựa chọn công ty tư vấn để nghiên cứu tính khả thi cũng như phương thức triển khai, sau đó mới báo cáo ĐHCĐ quyết định chủ trương thực hiện.
HSG dẫn đầu ngành tôn thép tại Việt Nam với 37% thị phần tôn mạ và hơn 18% thị phần ống thép
HSG đề xuất ĐHCĐ thông qua chủ trương phát triển nhanh hệ thống chi nhánh phân phối - bán lẻ với mục tiêu cụ thể là tăng từ 150 chi nhánh lên 300 chi nhánh trong vòng 3 năm tới? Phải chăng, đây là bước chuẩn bị cho thực hiện chiến lược mới?
Việc phát triển nhanh hệ thống phân phối nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn trong thời gian tới, đồng thời cũng là một bước chuẩn bị cho việc thực hiện chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng thì thị trường biến động và thay đổi rất nhanh, tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho sự tồn tại và phát triển của DN. Do vậy, chúng tôi xác định, trước mắt vẫn phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là tôn, thép và nhựa, thông qua hệ thống chi nhánh phân phối, dựa trên thương hiệu mạnh. Với những biến động phức tạp và đa chiều của các nền kinh tế trên thế giới thì rủi ro biến động tỷ giá, hàng rào thương mại tại thị trường xuất khẩu cũng khá lớn, chúng tôi xác định thị trường nội địa là nền tảng và tập trung phát triển nền tảng này nhanh nhất có thể.
Phát triển nhanh hệ thống chi nhánh phân phối - bán lẻ với mục tiêu tăng số lượng chi nhánh từ 150 lên 300 trong vòng 3 năm tới là cơ sở quan trọng để HSG thích nghi nhanh nhất với những biến động của thị trường và cũng là chìa khóa để Tập đoàn hướng đến trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam.
Song song với kế hoạch phát triển và mở rộng hệ thống phân phối, HSG có kế hoạch nào nhằm nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu về sản lượng ngày càng cao của thị trường?
Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) có tổng vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng đã hoàn thành vào tháng 9/2014, nâng tổng công suất thép cán nguội lên 980.000 tấn/năm và tổng công suất sản xuất tôn của HSG lên 1,2 triệu tấn/năm.
Nhằm thực hiện kế hoạch mở rộng hệ thống cung ứng hàng hóa, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng về sản phẩm ống thép của thị trường miền Trung, HSG đã đầu tư Dự án Nhà máy Ống thép Hoa Sen Bình Định với tổng công suất thiết kế 100.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định. Nhà máy đã đi vào hoạt động trong tháng 12/2014 và dự kiến giai đoạn 2 khởi công vào tháng 7/2015.
Bên cạnh đó, Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An đã được khởi công tháng 10/2014 tại Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An). Đây là dự án mới của HSG, quy mô 12 héc-ta, triển khai từ tháng 10/2014 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2018, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự án bao gồm 12 dây chuyền sản xuất ống thép với tổng công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất thép cán nguội với tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất tôn với tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên vào tháng 3/2015, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cung cấp sản phẩm tôn, thép của Tập đoàn, đặc biệt đáp ứng nhu cầu thị trường các tỉnh miền Trung và miền Bắc, đồng thời tăng sản lượng xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Myanmar.
Tại ĐHCĐ năm ngoái, ông chia sẻ, HSG có một khoản lợi nhuận lớn từ đầu cơ nguyên liệu đầu vào. Niên độ tài chính vừa qua, giá thép trong xu thế giảm, ông nghĩ sao về con số 410 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế?
Lợi nhuận sau thuế 410 tỷ đồng này là một thành công của Tập đoàn Hoa Sen vì hoàn toàn là từ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chúng tôi đã hết sức nỗ lực để hoàn thành nhanh chóng các dây chuyền mới, tăng sản lượng sản xuất, đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối để tăng doanh thu và giữ được lợi nhuận cao. Với mức lợi nhuận này thì lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Tập đoàn là 4.261 đồng.
Hoa Sen sẽ trình ĐHCĐ kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt?
Niên độ trước còn 5% cổ tức bằng tiền mặt chưa chia, do nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án mới nên chúng tôi sẽ căn cứ tình hình hoạt động của Tập đoàn và xem xét chia trong thời gian sắp tới. Niên độ tài chính 2013 - 2014, chúng tôi sẽ xin ý kiến ĐHCĐ chia tối đa 40% mệnh giá cổ phần, trong đó chi trả tối đa 30% mệnh giá cổ phần bằng cổ phiếu.
Với tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô hoạt động sản xuất như hiện nay, ông kỳ vọng vốn của HSG sẽ tăng trưởng như thế nào trong những năm tới?
Việc tăng quy mô vốn là cần thiết khi Hoa Sen đang trong giai đoạn đầu tư các dự án án mới, doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng. Kỳ vọng, vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng ít nhất gấp đôi hiện nay trong khoảng 3 - 5 năm tới.
Hoa Sen đã đặt ra mục tiêu sản lượng 1 triệu tấn, doanh thu 1 tỷ USD để phấn đấu. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này sau giai đoạn đầu thực hiện?
Kết thúc niên độ tài chính 2013 - 2014, các chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ và doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen đều tăng trưởng ở mức cao so với niên độ 2012 - 2013. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ đạt 810.226 tấn, doanh thu thuần đạt 14.990 tỷ đồng, tăng lần lượt 35% và 27% so với niên độ 2012 - 2013, củng cố vững chắc vị trí số một về thị phần tôn mạ trong nước và là một trong hai DN dẫn đầu về thị phần tiêu thụ ống thép hiện nay. Kế hoạch của Hoa Sen năm nay là tiêu thụ 900.000 tấn. Theo đó, mục tiêu sản lượng 1 triệu tấn chúng tôi gần đạt được. Còn doanh thu 1 tỷ USD thì cần thêm thời gian phấn đấu thực hiện vì Hoa Sen đang trong giai đoạn đầu tư nhiều nhà máy mới ở Bình Định, Nghệ An cũng như phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối khắp cả nước.
Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất với Hoa Sen hiện nay?
Đối với thị trường bên ngoài, tôi cho rằng, không chỉ riêng Hoa Sen, mà tất cả các DN đều đang phải nỗ lực hết mình để tồn tại và phát triển trong một môi trường kinh doanh biến động nhanh và khó lường như hiện nay, đặc biệt khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, gây ảnh hưởng chung đến thị trường thế giới và nhiều quốc gia có xu hướng bảo hộ cho nền sản xuất trong nước thông qua các hàng rào thương mại.
HSG nhận thức rõ điều này và thực hiện tốt các biện pháp ứng phó như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; mời các luật sư hàng đầu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại tư vấn cho Tập đoàn; thành lập Tổ chống kiện bán phá giá để sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ đe dọa thị trường xuất khẩu cũng như bảo vệ quyền lợi của HSG trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Quan trọng hơn cả là chúng tôi phối hợp chặt chẽ với hiệp hội DN trong nước và đặc biệt là được sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc trao đổi và thông tin với các cơ quan chức năng của nước sở tại hoặc liên hệ với WTO để nhận được sự tư vấn, cũng như can thiệp trong trường hợp các nước không tuân theo các nguyên tắc chung của WTO.
Về thị trường trong nước, hiện nay tình trạng tôn giả, tôn nhái, tôn kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các DN làm ăn chân chính, đồng thời làm giảm sút lòng tin, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng đối với các thương hiệu tôn thép uy tín hiện nay. Nhưng với chiến lược xây dựng hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu mạnh, chúng tôi chủ động về thị trường để vượt qua những thách thức này và phát triển bền vững.