Doanh thu giảm tới 25%
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý IV năm tài chính 2019 (từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/9/2019), Hoa Sen đạt doanh thu thuần 44.770 tỷ đồng, giảm 25% so với năm tài chính trước đó. Giá vốn hàng bán thậm chí còn giảm mạnh hơn, với mức giảm 26%.
Tuy nhiên, con số đáng quan tâm nhất của Hoa Sen là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn tăng tới 21%. Trong nội dung văn bản giải trình, ông Trần Quốc Trí, Tổng giám đốc Công ty nhắc đến 4 nguyên nhân làm tăng lợi nhuận là giá vốn hàng bán giảm, chi phí tài chính giảm 29%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 37% và chi phí bán hàng giảm 15%.
Dẫu vậy, văn bản của ông Trí không nhắc đến một yếu tố có ảnh hưởng khá lớn làm tăng lợi nhuận dù doanh thu giảm, đó là khoản “thu nhập khác” lên tới 245,9 tỷ đồng, tăng 364% so với năm trước.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần của Hoa Sen đạt hơn 28.000 tỷ đồng, giảm 19%. Trong đó, các chỉ số kinh doanh cơ bản cũng đều giảm, như giá vốn hàng bán giảm 18%, lợi nhuận gộp giảm 20%, doanh thu tài chính giảm 65%, chi phí bán hàng giảm 14%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 31%.
Về kết quả hợp nhất, lợi nhuận không tăng trưởng như công ty mẹ, mà sụt giảm 12%, với giá trị tuyệt đối đạt 361,4 tỷ đồng. Cũng giống như công ty mẹ, một yếu tố cũng đáng quan tâm trong hoạt động kinh doanh hợp nhất của Hoa Sen là khoản thu nhập khác lên tới hơn 253 tỷ đồng, tăng 345% so với năm trước.
Thu nhập khác đến từ đâu?
Trong báo cáo tài chính quý IV của Hoa Sen không thể hiện rõ có khoản thu nhập khác bất thường nào. Lần theo các con số kinh doanh từng quý trong năm tài chính 2019 của công ty mẹ Tập đoàn Hoa Sen, có thể thấy, thời điểm phát sinh thu nhập khác đáng kể nhất đã diễn ra từ quý I của năm tài chính, với giá trị lên tới 217,8 tỷ đồng, trong đó thu nhập khác của riêng công ty mẹ là 217,5 tỷ đồng.
Tại thuyết minh báo cáo tài chính quý I của công ty mẹ, Công ty có khoản thu lên tới 123,1 tỷ đồng đến từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và 94,4 tỷ đồng đến từ các khoản khác. Trong khi đó, các con số thể hiện tại thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định đem về nguồn thu hợp nhất 122,3 tỷ đồng và 95,5 tỷ đồng đến từ các khoản khác.
Những thông tin về thu nhập khác tuy khá sơ sài, không thể hiện tài sản bán đi là gì, nhưng cũng cho thấy, động thái bán tài sản phần nào là “chiếc phao” cứu Hoa Sen thoát khỏi sụt giảm lợi nhuận trên sổ sách đối với công ty mẹ và làm giảm đáng kể mức sụt giảm kết quả kinh doanh hợp nhất.
Việc bán tài sản tuy có đóng góp vào lợi nhuận cho Công ty, nhưng lợi nhuận không đến trực tiếp từ hoạt động kinh doanh cũng đặt ra nhiều băn khoăn cho các nhà đầu tư. Việc bán bớt tài sản liệu có làm cho doanh nghiệp suy giảm nguồn lực hay không?
Tại thời điểm cuối quý I trong năm tài chính, thời điểm doanh nghiệp bán khối lượng tài sản lớn nhất, giá trị tài sản cố định của công ty mẹ là 1.920 tỷ đồng, chỉ giảm rất nhẹ so với con số 1,961,7 tỷ đồng giá trị tài sản cố định tại thời điểm đầu năm tài chính. Trong khi đó, tài sản cố định hữu hình hầu như không giảm. Tại báo cáo hợp nhất, giá trị tài sản cố định quý I là 8.039 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 8.124,6 tỷ đồng, trong khi tài sản cố định hữu hình là 7.665 tỷ đồng, xấp xỉ so với con số đầu năm tài chính.
Ngoài ra, giá trị tài sản cố định cũng có chiều hướng tăng trở lại trong quý III và quý IV. Điều đó cho thấy, trong thời điểm bán thanh lý tài sản cố định, thì doanh nghiệp vẫn có động thái đầu tư thêm tài sản mới để duy trì nguồn lực sản xuất.