Cụ thể, FLC dự kiến phát hành 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên trên 12.000 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện là 10:7, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ cũ được quyền mua thêm 7 mới. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng số tiền dự kiến thu được nếu đợt chào bán thành công là gần 4.970 tỷ đồng, FLC dự kiến sẽ chi khoảng 4.500 tỷ đồng nhằm đầu tư vào 8 dự án bất động sản.
Bao gồm: Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long (800 tỷ đồng); Trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình (1.050 tỷ đồng); Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (150 tỷ đồng); Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại TP. Pleiku, Gia Lai (240 tỷ đồng); Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố tại TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum (510 tỷ đồng); Sân golf tại Gia Lai; Khu nhà ở mật độ cao Hiệp Thành – Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu (1.100 tỷ đồng).
Còn lại, khoảng 497 tỷ đồng, Công ty sẽ sử dụng để bổ sung vốn lưu động.
Tỷ lệ chào bán thành công tối thiếu là 70% phần vốn huy động để thực hiện dự án, tương đương số tiền tối thiểu thu được từ đợt chào bán là 3.150 tỷ đồng.
Trong trường hợp đợt chào bán không thu đủ số tiền dự kiến huy động được, đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ bị hủy bỏ theo quy định pháp luật. HĐQT sẽ thực hiện phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn thông qua huy động vốn vay từ ngân hàng, các tổ chức tài chính...
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng từ gần 7.100 tỷ đồng lên hơn 12.000 tỷ đồng, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành đạt trên 1,2 tỷ đơn vị.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của FLC đạt trên 4.160 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là trên 96 tỷ đồng và 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 lỗ ròng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC đang giao dịch tại mức giá 11.250 đồng/cổ phiếu (giá chốt phiên giao dịch ngày 7/10). Khối lượng khớp lệnh 10 phiên gần đây đạt 13,88 triệu đơn vị/phiên.