Thanh tra tại VRG, số tiền bị kết luận sai phạm lên tới 8.366 tỷ đồng

Thanh tra tại VRG, số tiền bị kết luận sai phạm lên tới 8.366 tỷ đồng

Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG), "động" đến đâu cũng có sai phạm

(ĐTCK) Sáng 22/1, Thanh tra Chính phủ đã họp tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015. Theo báo cáo của cơ quan này, trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế, thu hồi trên 51.500 tỷ đồng và hơn 1.600 héc-ta đất.

Năm 2014, toàn ngành đã thực hiện hơn 7.000 cuộc thanh tra hành chính và gần 234.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 51.500 tỷ đồng và 1.600 héc-ta đất; phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 3.200 tỷ đồng; kiến nghị kỷ luật hành chính với 2.000 tập thể, 15.500 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc.

Liên quan đến việc thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 12 cuộc thanh tra và phát hiện rất nhiều sai phạm. Trong đó, có vụ việc điển hình tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), với số tiền bị kết luận sai phạm lên tới 8.366 tỷ đồng.

Trong vụ việc tại VRG, thanh tra “động” đến nội dung nào, từ tăng vốn điều lệ, quản lý đầu tư tài chính dài hạn trong và ngoài ngành nghề kinh doanh chính, quản lý doanh thu, chi phí, quản lý đầu tư xây dựng và đất đai, cũng đều phát hiện có sai phạm.

Cụ thể, Hội đồng thành viên VRG quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011 cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sai quy định những khoản rất lớn như tăng vốn điều lệ 500 tỷ đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (RFC), tăng vốn điều lệ 3 công ty TNHH MTV với lý do cấp bù vốn thiếu 507 tỷ đồng.

Công ty mẹ VRG đã đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591 tỷ đồng, chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại CTCP Cao su Tây Ninh, CTCP Cao su Phước Hòa (2 DN đang niêm yết).

Việc quản lý thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng bị buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn đến xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt và thực hiện dự án. Việc đầu tư góp vốn thành lập CTCP Cao su Phú Riềng Kratie để đầu tư trồng mới cao su đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án cho đến công tác khảo sát điều tra thổ nhưỡng, dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, cây bị chết nhiều, khả năng thiệt hại lên tới 483 tỷ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư thực hiện việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng vốn sai mục đích 1,894 triệu USD chưa thu hồi được, dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Hoạt động đầu tư ngoài ngành của VRG có những sai phạm nghiêm trọng dẫn đến mất vốn giá trị lớn. Chẳng hạn, việc đầu tư góp vốn và hoạt động kinh doanh của CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy hải sản Đồng Tháp có nhiều sai phạm. Công ty này liên tục thua lỗ, đến nay đã mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán là 253 tỷ đồng. Công ty còn chiếm dụng vốn của CTCP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu công nghiệp cao su bằng việc ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện. Tương tự, CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch cao su cũng liên tục thua lỗ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng, không còn khả năng trả nợ vay.

RFC được rót tiền một cách dễ dàng đã sử dụng sai quy định nghiêm trọng. Đơn cử, hoạt động kinh doanh mua bán kỳ hạn chứng khoán (repo) không được cho phép, nhưng vẫn có 43 hợp đồng được thực hiện. Hiện nay, tổng dư nợ chưa thu được là 356 tỷ đồng, đây là khoản khó xử lý, tính thanh khoản thấp, nhiều doanh nghiệp đã và đang trong tình trạng hết sức khó khăn, kinh doanh thua lỗ, thậm chí không còn khả năng tài chính để xử lý nợ.

Hoạt động tín dụng của RFC có nhiều thiếu sót và vi phạm trong hầu hết các khâu, từ thẩm định năng lực pháp lý, năng lực hoạt động và uy tín của doanh nghiệp xin vay vốn, không đánh giá đúng phương án sản xuất - kinh doanh, thẩm định tài sản bảo đảm nợ vay không có quy trình chặt chẽ, theo dõi giám sát sử dụng vốn vay không tuân thủ đầy đủ thủ tục theo quy định…

Trong năm 2015, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung nhiều nội dung, trong đó có thanh tra tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hoá); hoạt động tín dụng, ngân hàng (tái cơ cấu, xử lý nợ xấu…). Đáng chú ý, trong kế hoạch 2015 có nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan