CEO Apple Tim Cook - Ảnh Internet.

CEO Apple Tim Cook - Ảnh Internet.

Tập đoàn Apple, Twitter thất vọng vì lệnh ngừng cấp thị thực lao động mới của ông Trump

(ĐTCK) Apple, Twitter cũng như rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu sẽ phải chịu tác động vô cùng lớn khi sắc lệnh mới đây của Tổng thống Trump ký đã cắt đứt nguồn cung lao động nước ngoài cho các công ty này.

Ngày 22/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh tạm thời tạm dừng việc cấp thị thực làm việc, đặc biệt bao gồm cả chương trình thị thực H-1B cho những người lao động có tay nghề cao.

Việc này lập tức đã gây nên làn sóng tranh luận gay gắt đến từ các công ty công nghệ lớn, bởi phần lớn những người được cấp thị thực theo diện này là làm nhân công cho ngành công nghệ.

Theo khảo sát của Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS), 2/3 trong tổng số hơn 80.000 thị thực H-1B được cấp mỗi năm là dành cho những người làm việc trong ngành công nghệ.

Trong trạng thái cập nhật mới nhất trên Twitter cá nhân, CEO Apple Tim Cook đã bày tỏ thái độ không đồng tình với chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ.

"Cũng giống như Tập đoàn Apple, những thành tựu kinh tế to lớn mà Hợp chủng quốc Hoa kỳ có được ngày nay là nhờ vào sức mạnh của đa dạng sắc tộc cũng như niềm tin bền bỉ vào giấc mơ Mỹ. Sự phát triển sẽ không còn nữa nếu thiếu đi một trong hai yếu tố. Tôi vô cùng thất vọng về tuyên bố mới đây nhất của Tổng thống", Tim Cook viết.

Đại diện của Twitter cũng bày tỏ quan điểm tương tự, gọi sắc lệnh trên của chính quyền Mỹ là "thiển cận" và "sẽ gây thiệt hại đáng kể".

Tập đoàn Apple, Twitter thất vọng vì lệnh ngừng cấp thị thực lao động mới của ông Trump ảnh 1

Andrew Ng đồng sáng Coursera cũng là một người được cấp thị thực H-1B.

Nhóm những người nhân công trước đây được cấp thị thực H-1B trong ngành công nghệ cũng đưa ra những bình luận bày tỏ cảm xúc của mình. Đồng sáng lập Công ty công nghệ giáo dục Coursera, Andrew Ng, cho biết, sắc lệnh trên sẽ phá vỡ giấc mơ và làm đảo lộn cuộc sống của những người nhập cư.

"Là một người lao động thông qua thị thực H-1B, chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các bạn và sẽ làm mọi cách để giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng".

Giám đốc điều hành YouTube, Susan Wojcicki, có bố là người nhập cư, đến từ Ba Lan vào năm 1949. Bà viết trên Twitter: "Vấn đề nhập cư là câu chuyện muôn thủa của nước Mỹ. Và nhờ có nhập cư mà tôi cùng gia đình đã thoát khỏi nguy hiểm và xây dựng một cuộc sống mới trên nước Mỹ".

Hành động trên của chính quyền Tổng thống Trump nhằm hỗ trợ việc làm cho người dân Mỹ đang thất nghiệp ngày càng tăng cao. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng gấp bốn lần từ giữa tháng hai và tháng ba trong năm nay. Tuy nhiên, sắc lệnh mới được thông qua sẽ chỉ hạn chế việc cấp thị thực đối với những lao động mới, còn đối với người lao động đã có thị thực hợp lệ thì sẽ không bị ảnh hưởng.

Tin bài liên quan