Khó khăn trong lựa chọn nhà thầu
Đang có nhiều câu hỏi được đặt ra trong việc chọn nhà thầu đáp ứng đủ tiêu chí thực hiện Gói thầu Nhà ga hành khách của “siêu dự án” Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 5/5 vừa qua, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, Dự án thành phần 3 (dự án thành phần chính gồm các công trình thiết yếu do ACV quản lý) của Dự án sân bay Long Thành đã thi công hoàn tất nhiều hạng mục. Công tác san nền đang gấp rút được triển khai để bảo đảm có mặt bằng thi công cho toàn bộ các hạng mục theo kế hoạch.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Đối với các hạng mục còn lại, ACV đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công triển khai theo kế hoạch. ACV đang lựa chọn nhà thầu thi công Gói thầu Nhà ga hành khách lần 2 sau khi đấu thầu lần 1 không lựa chọn được nhà thầu thi công, để sớm khởi công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Huy, việc đấu thầu hoàn toàn do thị trường quyết định và nằm ngoài ý muốn chủ quan của chủ đầu tư. Dù Gói thầu Nhà ga hành khách được nhiều nhà thầu quốc tế quan tâm, nhưng việc đấu thầu gặp khó khăn, do quy định đơn giá theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong khi nhà thầu quốc tế có đơn giá, lương cao hơn, nên giá bỏ thầu cao. Hơn nữa, các nhà thầu cũng e ngại không đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Liên quan đến tình trạng chậm tiến độ, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư (ACV) và Ban quản lý dự án, từ quá trình đấu thầu, chọn nhà đầu tư và thi công. ACV đang rà soát, báo cáo cơ sở thực tiễn và pháp lý, căn cứ kết quả đấu thầu để tính toán tiến độ hoàn thành Dự án theo tinh thần không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Giống như sân bay Incheon (Hàn Quốc), sân bay Long Thành cũng được kỳ vọng trở thành biểu tượng tự hào của người Việt Nam. Trong ảnh: Phối cảnh sân bay Long Thành |
“Siêu sân bay” Long Thành được kỳ vọng không chỉ thay thế vai trò, vị trí của Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), mà còn cạnh tranh với sân bay Changi (Singapore), hay sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) trong tương lai. Lộ trình thực hiện dự án này sẽ kéo dài hơn 3 thập kỷ, tương ứng 3 giai đoạn, để đáp ứng mục tiêu đón 100 triệu lượt hành khách vào năm 2050. Trong đó, giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành năm 2025, với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm.
Chính phủ coi đây là dự án đặc biệt quan trọng, là công trình thế kỷ, phải chọn nhà thầu xứng tầm. Song những rào cản trong đấu thầu, tìm công ty xây dựng nhà ga hành khách xuất phát từ sự lo lắng, nghi ngại, chưa đủ tự tin “trao quyền” cho nhà thầu trong nước khiến công trình có nguy cơ phải lùi tiến độ.
Bài học từ Hàn Quốc
Được thực hiện từ năm 1996, quá trình xây dựng Cảng hàng không quốc tế Incheon cũng xảy ra chuyện loay hoay trong quyết định lựa chọn trao quyền cho nhà thầu trong nước hay nước ngoài. Thời điểm đó, không hiếm ý kiến cho rằng, các công ty Hàn Quốc không đủ tiêu chí trúng thầu, không đủ tự tin thực hiện việc xây dựng sân bay, Chính phủ nên mời tư vấn và công ty nước ngoài làm dự án.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định lựa chọn Tập đoàn Korea Airport Engineering Corp. (KAEC) - liên doanh gồm các công ty xây dựng lớn của Hàn Quốc như Samsung C&T, Daewoo E&C và Hyundai E&C… để xây dựng sân bay Incheon.
Sân bay Incheon Hàn Quốc - biểu tượng tự hào của người Hàn Quốc. |
Được biết, trong quá trình khai hoang và xây dựng sân bay Incheon giữa 4 hòn đảo, đã xảy ra tranh cãi về vấn đề môi trường, việc phá bỏ nơi cư trú của các loài chim di cư. Đồng thời, có những lo ngại rằng, việc khai hoang vùng ven biển có thể gây sụt lún do nền đất mỏng manh. Đặc biệt, các vấn đề không tránh khỏi của ngành xây dựng như chất lượng xây dựng kém, chậm trễ trong thi công dẫn đến đội chi phí rất cao… đã xảy ra.
Tuy nhiên, đến năm 2001, sân bay Incheon đã được đưa vào hoạt động và hiện trở thành sân bay tốt nhất Đông Bắc Á, là niềm tự hào của người dân Hàn Quốc. “Sân bay Incheon có thể là một manh mối để Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng sân bay Long Thành”, các chuyên gia từng trải qua những vị trí quan trọng tại Daewoo E&C và Hyundai E&C nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia của Hàn Quốc, quá trình tham vấn và tìm kiếm giải pháp để thực hiện dự án sân bay Incheon đã giúp các doanh nghiệp xây dựng nước này tích lũy được kinh nghiệm, làm tiền đề để tiếp tục phát triển và cạnh tranh với nhà thầu từ các nước tiên tiến. Dựa trên kinh nghiệm đó, họ đã có thể tham gia xây dựng các sân bay nước ngoài, trở thành các công ty xây dựng toàn cầu.
Trong những năm 1960, “xứ sở kim chi” là một trong những nước nghèo nhất châu Á, thậm chí nghèo hơn cả Việt Nam, trình độ kỹ thuật và quy mô của các công trình xây dựng còn thấp kém. Để thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt trọng tâm của Kế hoạch Phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (2004 - 2008) là tăng đầu tư vốn xã hội gián tiếp và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thời điểm đó, các doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc đã phát triển “thần tốc” và trở thành những tập đoàn lớn mạnh, khiến các nhà kinh tế học hàng đầu thế giới phải kinh ngạc và thán phục. Thậm chí, sau này, chính những công ty xây dựng lớn ở châu Âu còn quay lại nhờ các doanh nghiệp Hàn Quốc tư vấn các phương pháp kỹ thuật.
Riêng với lĩnh vực phát triển hạ tầng, không chỉ đơn giản hoàn thành các mục tiêu được Chính phủ Hàn Quốc giao, các công ty xây dựng Hàn Quốc đã cùng nhau nỗ lực hoàn thiện và nắm bắt những công nghệ tiên tiến chỉ trong thời gian rất ngắn.
Tạo vị thế “Thánh Gióng” cho nhà thầu Việt
“Sân bay Incheon cho thấy một ví dụ về huy động thành công năng lực quốc gia ở Hàn Quốc. Việt Nam cần hỗ trợ về mặt pháp lý và thể chế để huy động năng lực quốc gia cho các dự án quốc gia quy mô lớn”, chuyên gia Hàn Quốc nêu quan điểm.
Thực tế, không ít người có niềm tin và kỳ vọng rằng, nhà thầu Việt Nam có đủ năng lực đảm đương những dự án hạ tầng tầm cỡ quốc gia như “siêu sân bay” Long Thành. Quá trình thực hiện Dự án The Landmark 81 tại TP.HCM đã cho thấy rõ điều đó.
Tại thời điểm triển khai Dự án The Landmark 81, nhiều nghi vấn về khả năng, trình độ kỹ thuật của nhà thầu trong nước cũng được đặt ra. Có lúc, nhà thầu Hàn Quốc được cho là sẽ bước vào tiếp quản dự án này. Nhưng đến nay, người dân Việt Nam tự hào vì chính bàn tay và khối óc của người Việt đã tạo nên dự án biểu tượng này.
Bên cạnh đó, tinh thần bền bỉ và sự quyết tâm của nhà thầu Việt không chỉ vì sự phát triển của ngành xây dựng Việt Nam, mà còn vì bản sắc dân tộc, chính là yếu tố đáng lưu tâm. Việc Chính phủ “trao quyền” cho nhà thầu nội thi công Dự án sân bay Long Thành được kỳ vọng là tiền đề quan trọng để các nhà thầu Việt xuất khẩu xây dựng như cách các nhà thầu Hàn Quốc đã làm.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (hơn 336.000 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn I có vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD, đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh; một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất là năm 2025.
Giai đoạn II của Dự án sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu lượt khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn III hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.