Năm 2017 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định là năm giải quyết căn bản vấn đề này. Ông có thể cho biết kết quả thực hiện tới thời điểm hiện tại?
Từ năm 1956, chúng ta đã đặt ra vấn đề giải quyết chế độ cho thương binh, liệt sỹ tồn đọng trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho người có công thụ hưởng chính sách. Thời điểm đó, chúng ta đã quy định cho phép sử dụng 2 người làm chứng cùng lời khai của người có công hoặc thân nhân (trường hợp hồ sơ liệt sỹ) để giải quyết. Cách làm này đã được thực hiện trong vòng 50 năm.
Song trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều trường hợp khai man, lợi dụng chính sách. Do đó, năm 2005, sau khi có quy trình hướng dẫn xác nhận người có công, mọi trường hợp đều được yêu cầu sử dụng những giấy tờ có giá trị pháp lý và các giấy tờ có liên quan. Tuy không đòi hỏi giấy tờ bị thương hay hy sinh gốc, nhưng phải là những giấy tờ chứng minh có tham gia cách mạng, có chiến đấu, có bị thương hoặc hy sinh trong hoạt động cách mạng. Mặc dù vậy, quy trình này cũng dẫn tới nhiều trường hợp không được giải quyết do thất lạc giấy tờ.
Năm 2017 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất với Chính phủ lấy là năm đền ơn đáp nghĩa, trên cơ sở đó đặt mục tiêu giải quyết cơ bản những hồ sơ người có công còn tồn đọng trước đây ở cấp tỉnh. Theo báo cáo ban đầu của các địa phương, số lượng hồ sơ cần giải quyết lên tới 6.000. Tuy nhiên, sau khi tổ công tác của Bộ và các địa phương rà soát, con số này giảm xuống còn 1.000. Đây là những hồ sơ đòi hỏi giải quyết theo cơ chế đặc biệt.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công để các tỉnh có căn cứ xem xét. Những hồ sơ này sẽ được giải quyết trên cơ sở đồng thuận của người đương thời, các cấp chính quyền địa phương, cấp Đảng và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Với những trường hợp có ý kiến không đồng thuận, sẽ buộc phải dừng lại để xác minh.
Đến nay, việc giải quyết khá phức tạp và khó khăn, cơ bản là chậm tiến độ, hiện mới có hơn 200 hồ sơ được giải quyết. Với sự vào cuộc của các tỉnh, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết căn bản như mục tiêu, tuy nhiên thực tế vẫn có những hồ sơ không đủ căn cứ để xét duyệt.
Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng nhận được sự đồng tình lớn từ dư luận khi ngăn chặn được việc đi tìm hài cốt không theo cơ sở khoa học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều gia đình chưa tìm được mộ người thân, thưa ông?
Ngày 14/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo đó, việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc này được thực hiện trên cơ sở giám định gen từ mẫu hài cốt và mẫu của thân nhân để đối chiếu, kết luận. Chúng ta đang gặp khó khăn khi công suất giám định chưa đủ, chất lượng mẫu nhiều hài cốt suy giảm, hoặc thân nhân liệt sỹ đã mất.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy mẫu từ các mộ quy tập từ nghĩa trang liệt sỹ có việc phải di chuyển, tôn tạo và lấy mẫu theo đề nghị của thân nhân. Riêng với đơn đề nghị của thân nhân, chúng tôi yêu cầu phải nêu rõ căn cứ chọn mộ đó để lấy mẫu.
Vậy đâu là ưu tiên trong công tác giám định gen khi công suất của các trung tâm giám định chưa đáp ứng được nhu cầu? Kinh phí cho công tác này được lấy từ đâu?
Có 2 trường hợp xảy ra. Trước hết là có giấy gửi thẳng từ chiến trường về các gia đình, thường tương đối đầy đủ thông tin, nhưng để đảm bảo tính quân sự loại giấy này đều bị mã hóa. Khi thực hiện giám định gen, chúng tôi sẽ lật lại giấy báo tử sơ cấp này thông qua việc giải mã từ Bộ Quốc phòng để tìm thông tin chính xác xem liệt sỹ đó an táng tại đâu, khi an táng có sơ đồ mộ chí được quy tập đến nghĩa trang nào, khu vực nào và lần theo hướng đó để giải quyết. Đó là kênh để xác định danh tính hài cốt liệt sỹ.
Thứ 2, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số mộ chỉ được dán giấy sau thời gian bị mất thông tin. Đây chính là những mộ được ưu tiên trong giám định gen. Kinh phí giám định, nếu có căn cứ chứng minh đó là mộ của gia đình thì sẽ được Nhà nước tài trợ. Nếu không, gia đình có thể thực hiện giám định theo một kênh độc lập khác.