Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê (Lê Group), việc xây dựng thương hiệu cá nhân, hay còn gọi là “nhân hiệu” cũng giống như xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm hay một doanh nghiệp, để người khác biết mình là ai, có vai trò, giá trị gì.
Hiện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng hình ảnh cá nhân, không có chiến lược rõ ràng, nên khi có sự cố xảy ra dễ dẫn đến khủng hoảng truyền thông. Ở các nước có nền kinh tế phát triển, hầu như nhà quản lý đều có trợ lý truyền thông, nhưng ở nước ta, nhiều khi việc PR hình ảnh cá nhân bị đánh đồng với việc “tô vẽ”. Khi lãnh đạo được khách hàng, đối tác quý trọng, sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Ông Vinh cho hay, người Việt bị ảnh hưởng lớn bởi nền văn minh lúa nước và tư tưởng Phật giáo, nên thường nghĩ rằng phải khiêm tốn mới đúng. Nhưng ngày nay, PR thực sự rất cần thiết cho sự thành công của cá nhân lẫn doanh nghiệp. PR không phải quảng cáo, mà để cho người khác hiều được chính xác con người và thông điệp của mình.
“Việc xây dựng danh tiếng cho lãnh đạo nên hướng theo lợi ích doanh nghiệp, nhưng phải dựa trên tính cách cá nhân, tìm ra điểm mạnh có thể dung hòa được với mục tiêu chung. Có nhiều cách để tạo nên thương hiệu, dễ thấy nhất trong giới giải trí hiện nay là tạo scandal, "chém gió" ở những chỗ thị phi… Nhưng những cách đó không bền, tự phát. Muốn thành công, chúng ta cần phải có chiến lược bài bản”, ông Lê nói.
Lấy ví dụ từ bản thân, doanh nhân Lê Quốc Vinh kể lại, anh khởi nghiệp là một nhà báo, vì gương mặt khá “non” nên khi xin phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao đều bị thư ký, trợ lý từ chối. Anh đã tự lên chiến lược thay đổi diện mạo lẫn cách ăn nói của mình. Quả nhiên, trong bộ veston lịch sự, gương mặt được điểm thêm bộ râu cùng cách ăn nói chững chạc, anh đã được đón tiếp và thực hiện thành công nhiều cuộc phỏng vấn.
Sau này, khi tham gia tư vấn truyền thông cho giới showbiz, thấy phong cách “đạo mạo” không còn hợp, anh đã cạo râu, bỏ cà vạt, tạo phong thái trẻ trung, thoải mái để phù hợp với công việc mới.
Là lãnh đạo càng phải tạo dấu ấn cho riêng mình. Phong cách lãnh đạo và phong cách sống chính là đặc trưng để mọi người nhận biết về cá nhân đó rõ ràng hơn. Để làm được điều này, cần một quá trình lâu dài, thể hiện qua cách sống, cách làm việc, ứng xử… hàng ngày. Thương hiệu cá nhân phải phù hợp với thương hiệu sản phẩm hoặc doanh nghiệp, tránh lấy ý chí, tham vọng, chủ quan của người lãnh đạo “khoác” lên sản phẩm đó.
Bà chủ TH True Milk Thái Hương nằm trong số không nhiều doanh nhân đã xây dựng được thương hiệu cá nhân, nhờ lối phát biểu đầy “máu lửa” quen thuộc. Nhớ đến Thái Hương, người ta thường nhớ đến hình ảnh một nữ doanh nhân đầy quyết đoán, quyết tâm đeo đuổi chiến lược đầu tư cho nông nghiệp sạch.