Tạo niềm tin, cùng nông dân làm giàu bền vững

Tạo niềm tin, cùng nông dân làm giàu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi đã có niềm tin vào doanh nghiệp, người nông dân sẽ giữ đúng cam kết đồng hành và trở thành một phần của chuỗi sản xuất sạch và xanh.

Niềm vui từ lao động

Chúng tôi đến thăm vùng trồng dược liệu bìm bìm mà Công ty cổ phần Traphaco hợp tác với bà con nông dân vào một ngày đầu tháng 6, khi sắp đến vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Mùi, ở khu 5, xã Thạch Đồng, Thanh Thủy, Phú Thọ cho biết, trồng cây bìm bìm tạo giá trị sản phẩm cao so với những cây trồng khác, gấp 5 - 6 lần, thậm chí cao hơn. Một năm trồng được 2 vụ bìm bìm, mỗi sào được khoảng 50 - 60 cân quả khô, giá thu mua 100.000 đồng/kg. Tính ra mỗi năm, nông dân thu được khoảng 1 - 1,2 tạ quả/sào, thu về 10 - 12 triệu đồng/sào, trong khi trồng ngô chỉ được 1 - 2 triệu đồng/sào.

Cái hay là Công ty hỗ trợ cho nông dân 2,5 triệu đồng/sào để đảm bảo rằng dù thiên tai mất mùa, người nông dân vẫn có thu nhập tối thiểu như trồng ngô. Gói hỗ trợ bao gồm cả cấp giống, kinh phí làm rào leo, ngoài ra, Công ty có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, ngày đêm bám sát vùng trồng để hỗ trợ bà con về kỹ thuật. Nếu cây bị sâu bệnh, các kỹ sư nông nghiệp thường có mặt ngay để hỗ trợ xử lý. Nhờ vậy, cây bìm bìm cho năng suất cao và bà con yên tâm phát triển.

Gia đình ông Mùi đã chuyển sang trồng dược liệu, thay vì trồng ngô có giá trị kinh tế thấp như trước kia. Ông nói, trồng dược liệu giúp cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình và cũng phù hợp với tuổi tác của ông bà.

Theo ông Mùi, việc trồng liệu sạch phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đội ngũ kỹ thuật của Traphaco bám sát công việc của bà con nông dân để sẵn sàng hỗ trợ xử lý vấn đề sâu bệnh. Trồng dược liệu sạch cứu người cũng khiến họ cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc hơn.

Hiện nông dân Phú Thọ mới trồng được khoảng chục héc-ta cây bìm bìm và theo nhu cầu sản xuất của Traphaco thì diện tích phải mở rộng gấp 3 - 4 lần.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc Traphaco cho biết, bìm bìm là cây thuốc quý của người Dao, nhà nào cũng dành một góc vườn để trồng loài cây này. Thậm chí, trâu bò bị ngộ độc thuốc trừ sâu, người ta chỉ cần giã hạt bìm bìm đổ cho nó uống để giải độc. Từ kinh nghiệm dân gian, Traphaco đã triển khai đề tài nghiên cứu về thuốc bổ gan, giải độc Boganic như hiện nay.

Ngoài dược liệu từ cây bìm bìm, để làm ra thuốc Boganic, Traphaco còn phát triển vùng trồng dược liệu Atiso tại Sapa, rau đắng đất tại Phú Yên…

Ông Văn chia sẻ, đối với phát triển thuốc từ dược liệu, câu chuyện chất lượng dược liệu đầu vào rất quan trọng, xét trên hai yếu tố. Một là, hoạt chất sinh học có tác dụng chữa bệnh cực kỳ quan trọng, hoạt chất trong loại cây đó có nhiều hay ít, thậm chí còn phụ thuộc vào từng vùng.

Ông Văn lấy ví dụ, cây thanh cao hoa vàng trị sốt rét Artemisinin ở Việt Nam thì chỉ có cây trồng ở phía Bắc mới chiết xuất được dược liệu, còn cây trồng phía Nam cao ngút đầu người lại không có; hay atiso Đà Lạt chỉ có thể làm thức ăn, chứ không làm dược liệu được. Thứ hai là cây phải ít những tác động phụ, gọi là độc chất. Chẳng hạn, trong cây cà độc dược, có hoạt chất chữa bệnh nhưng lại có acid ginkgolic gây độc với thần kinh.

Việc chủ động về dược liệu với các nhà sản xuất do đó có vai trò quan trọng. Thứ nhất, nguồn dược liệu mình kiểm soát được chất lượng tốt mới đảm bảo thuốc tốt. Thứ hai là giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất.

Có những thời điểm, do diễn biến dịch bệnh, thị trường rơi vào khan hiếm dược liệu và giá cả tăng vọt, như khi xảy ra dịch sốt xuất huyết thì cỏ chanh, cỏ mực "cháy hàng", hay năm có dịch SARS hay Covid-19 thì liên kiều, xuyên tâm liên, kim ngân - những cây có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc “cháy hàng”, thậm chí đắt gấp ba, bốn lần mà các doanh nghiệp vẫn phải tranh mua.

Có những loại dược liệu, tiếng như vậy, nếu mua loại không đủ hàm lượng, không có hoạt chất mà sản xuất vẫn sử dụng thì có thể coi như là thuốc giả, không đảm bảo chất lượng.

“Chúng tôi có lẽ là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam đưa được đồng bào dân tộc thiểu số làm được vùng trồng đạt chuẩn quốc tế. Đối với họ, đây là niềm kiêu hãnh. Đối với chúng tôi, điều này có ý nghĩa đặc biệt”, ông Văn nói.

Nhưng phát triển dược liệu có nhiều cái khó, mà một trong số đó là tính dự liệu, lập kế hoạch của doanh nghiệp. Bởi dược liệu khác với những cây lương thực, thực phẩm, khi nhu cầu xuống thấp, có thể chuyển hóa sang làm sản phẩm khác, chẳng hạn thức ăn chăn nuôi, còn với cây thuốc, hết hạn sử dụng phải đổ bỏ.

“Chúng tôi vẫn nói đùa, đây là ngành kinh doanh mạo hiểm”, ông Văn kể.

Khát vọng đưa dược liệu Việt vươn xa

Dự án GreenPlan “Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco” đã triển khai hơn 10 năm, xây dựng được vùng nguyên liệu trên 36.300 ha trải dài trên 24 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam; trong đó, có vùng thu hái dược liệu rau đắng đất tại Phú Yên, vùng trồng atiso tại Lào Cai, vùng trồng đinh lăng tại Nam Định… Có thu nhập cao hơn 6 - 7 lần so với trồng cây rau màu truyền thống, được Traphaco bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường vài chục phần trăm, người nông dân đã yên tâm bám đất, phát triển vùng trồng dược liệu sạch, thay đổi tập tục canh tác và có cuộc sống tốt hơn, thậm chí nhiều người trong số họ còn trở thành tỷ phú làng quê.

Có những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai mất tới hơn nửa ngày đường mới tới, song cán bộ Traphaco không ngại khó bám bản, bám dân, cầm tay chỉ việc để họ quen dần với cách gieo trồng hiện đại, ghi chép và thu hái theo các chuẩn quốc tế.

Có lợi ích lâu dài, người dân đã tin tưởng và đồng hành với Traphaco. Ông Văn cũng chia sẻ rằng, trong chiến lược phát triển dược liệu sạch của Traphaco, các nhà báo và cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng, lan tỏa thông tin tích cực, cách làm hay để thúc đẩy các vùng trồng dược liệu sạch mở rộng.

Việc phát triển vùng trồng dược liệu đã giúp bảo tồn nguồn gen cây thuốc, bảo vệ quỹ đất và đa dạng sinh học, bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, thay đổi bộ mặt kinh tế nhiều địa phương.

Là doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững, phát triển vùng trồng dược liệu, giữ gìn và bảo tồn các cây thuốc quý của Việt Nam, Traphaco đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để tạo thêm giá trị cho không chỉ sản phẩm của doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy ngành này phát triển. Trong hai năm gần đây, Công ty ra mắt một loạt sản phẩm mới như Boganic Premium, Cebraton Premium… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của khách hàng.

Chủ động được nguồn dược liệu sạch đầu vào, nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất hiện đại, đề cao chất lượng là yếu tố số 1, sản phẩm của Traphaco khẳng định vị thế vững chắc số 1 về Đông dược tại Việt Nam và hiện đang triển khai kế hoạch xuất khẩu.

Bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Traphaco cho biết, Công ty hợp tác với Deawoong, hãng dược phẩm hàng đầu Hàn Quốc có hệ thống phân phối rộng tại nước ngoài, chào hàng cho các đối tác nước ngoài, không chỉ có các sản phẩm nổi tiếng của doanh nghiệp làm từ dược liệu sạch mà sẽ xuất khẩu cả dược liệu đã được chiết xuất làm nguyên liệu chế biến thuốc cho các đối tác nước ngoài.

Khát vọng của người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam là đưa các cây dược liệu Việt Nam một ngày nào đó sẽ có tên trong danh sách cây tỷ USD.

Tin bài liên quan