Nhân dịp tổng kết 20 năm, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thj Tuyến tặng bức trướng cho tập thể Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội với nội dung “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo”
Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố, kiêm Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội khẳng định, trong sự nghiệp đổi mới, việc phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt của Đảng bộ TP. Hà Nội.
Hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn
Thông tin tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78) do UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức cho biết, qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78, TP. Hà Nội đã tập trung nguồn lực qua Ngân hàng Chính sách xã hội, triển khai cho vay hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với 42.896 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của Thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp trên 243.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 814.000 lao động, giúp cho gần 147.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 746.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, qua đó cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố hiện có dư nợ tại 3 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ tính đến ngày 31/7/2022 là 6.211 tỷ đồng, có 129.579 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 48,6% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác là 5.497 tỷ đồng và dư nợ từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác là 714 tỷ đồng.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh đã giải ngân cho trên 580.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 630.000 lao động, hỗ trợ xây dựng 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo. Kết quả đạt được trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Hà Nội có mức ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cao nhất cả nước
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đã ghi nhận những kết quả mà Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã đạt được qua 20 năm thực hiện Nghị định 78. Đó là, chất lượng tín dụng (tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh) đạt 0,024%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (0,67%) và là địa phương luôn quan tâm dành nguồn lực ngân sách để ủy thác hỗ trợ vốn cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; có mức ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cao nhất cả nước (6.367 tỷ đồng).
Phó thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP. Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động tín dụng ngân hàng và hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng…
Ghi nhận thành quả triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn cũng như tâm huyết với chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền TP. Hà Nội, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2025 đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND Thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo toàn diện hoạt động tín dụng chính sách xã hội; trong đó, cần ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trong bối cảnh kinh tế thị trường, phải gắn các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp, đi đôi với giảm nghèo bền vững.
Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu Chi nhánh TP. Hà Nội cần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược Phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của Ngân hàng Chính sách xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.