Tạo nền tảng cho kinh tế hợp tác xã phát triển trong xu hướng hội nhập toàn cầu

Tạo nền tảng cho kinh tế hợp tác xã phát triển trong xu hướng hội nhập toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức diễn ra sáng nay 11/12 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đây là Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng hợp tác xã với quy mô khoảng 500 đại biểu tham dự, với mục đích tăng cường quan hệ Chính phủ - Hợp tác xã; Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; và Đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên hợp tác xã nông nghiệp như: Giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, thành viên; góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt năm 2020 với nhiều bất ổn khi đại dịch COVID-2019 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, tuy vậy, nhiều hợp tác xã vẫn vững vàng phát triển trong giai đoạn này, góp phần hỗ trợ kinh tế thành viên.

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm nay với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” sẽ tập trung trao đổi về những kinh nghiệm và cơ hội hợp tác, liên kết giữa các thành viên hợp tác xã, giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của thành viên và nhân dân. Đây cũng là dịp để thúc đẩy quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng Kinh tế hợp tác nhằm hướng tới xây dựng hành lang pháp lý, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại Việt Nam phát triển.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn có các sự kiện chuyên ngành bên lề nhằm tạo diễn đàn trao đổi các giải pháp thúc đẩy kinh tế Hợp tác xã phát triển, bao gồm các Hội thảo với chủ đề Thúc đẩy tiếp cận tín dụng cho hợp tác xã; Thúc đẩy mô hình HTX hỗ trợ nông dân Việt Nam phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19 và thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời có Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của một số hợp tác xã.

Sự chuyển mình của kinh tế HTX

Thời gian qua, khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ước tính đến cuối năm 2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác (THT), 26.112 HTX và 100 liên hiệp HTX, thu hút hàng chục triệu thành viên tham gia.

Các HTX nông nghiệp có vai trò rất lớn đối với cộng đồng nông thôn thông qua việc tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội như cung ứng dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo việc làm thường xuyên hơn đối với lao động nông thôn. Thông qua HTX nông nghiệp mà các thành viên có thể tương trợ cho nhau, cùng được hưởng những quyền lợi từ HTX nông nghiệp với tư cách là chủ sở hữu và người sử dụng dịch vụ của HTX.

Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể trong nông nghiệp vào phát triển kinh tế của địa phương tăng liên tục qua các năm, tổng GDP năm 2011 là 1,954%, năm 2020 là 3,33%; thông qua phát triển kinh tế tập thể, HTX đã giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa hoạt động, giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình tham gia. HTX đã giải quyết những vấn đề tập thể mà những nông dân nhỏ lẻ khó thực hiện được như liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm ngành hàng ở địa phương.

Đáng chú ý, hoạt động của KTHT, HTX đang ngày càng hiệu quả. Cụ thể, doanh thu bình quân của một THT năm 2020 là 523 triệu đồng/năm, tăng 96% so với năm 2011; lãi bình quân của một THT là 84,51 triệu đồng/năm, tăng 134%; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong THT là 26 triệu đồng/năm, tăng


Doanh thu bình quân của một HTX thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng/HTX, tăng khoảng 116% so với năm 2011. Trong đó, doanh thu bình quân của HTX với thành viên đạt 2.608 triệu đồng, chiếm khoảng 60% doanh thu bình quân của một HTX...

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế hợp tác xã những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình KTHT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khu vực KTHT, HTX từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số hạn chế bất cập của khu vực kinh tế này như tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng HTX tuy tăng nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTHT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cho khu vực KTHT, HTX, đòi hỏi khu vực này phải tự thay đổi phương thức hoạt động, năng động, sáng tạo để vượt qua khó khăn và vươn ra toàn cầu.

Bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế tạo cơ hội cho các HTX có thể học hỏi, cọ sát và nâng cao năng lực, cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn; mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến.

Kinh tế số cũng sẽ là một “đòn bẩy” quan trọng giúp khu vực KTHT, HTX phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao năng suất của HTX nói riêng và toàn bộ khu vực KTHT nói chung.

Tuy nhiên, mở cửa hội nhập kinh tế sẽ khiến cạnh tranh hàng hóa diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế. Khu vực KTHT, HTX phải đối mặt và giải quyết vấn đề về chất lượng và cạnh tranh. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát sau thu hoạch còn yếu, thông tin về thị trường không cập nhật, không đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài.

Do đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực KTHT, HTX phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Để tạo nên tảng cho mô hình kinh tế hợp tác xã phát triển cũng như tận dụng được các cơ hội trong kinh tế thị trường cũng như hội nhập quốc tế, trong Chiến lược phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể mang tính chiến lược nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTHT, HTX phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung nghiên cứu giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật HTX năm 2012 trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật; Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Thuế…), có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTHT, HTX phát triển bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX phù hợp mô hình bản chất, tránh bao cấp; cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với KTHT, HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước...

Box: Theo bà Mai Thị Thu Hường, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan điểm chỉ đạo phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 là phát triển HTX mà nòng cốt là HTX trong nông nghiệp trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cần đặc biệt được coi trọng đối với cư dân nông nghiệp, nông thôn. Phát triển HTX trong nông nghiệp có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự xã hội, nhất là ở nông thôn.

Tăng cường công tác đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng; quản lý của Nhà nước đối với phát triển HTX trong nông nghiệp; huy động lực lượng xã hội và nguồn lực trong và ngoài nước tham gia thúc đẩy phát triển HTX trong nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích phát triển HTX trong nông nghiệp nhanh và bền vững với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.

Cùng với đó, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ sản xuất nông nghiệp phát triển có hiệu quả; góp phần hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều Nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp.

Tin bài liên quan