Diễn đàn đề xuất những nội dung chính sách thử nghiệm cụ thể để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh: K.T

Diễn đàn đề xuất những nội dung chính sách thử nghiệm cụ thể để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh: K.T

Tạo lập cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
Việc sớm hình thành cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp…

Cần sớm hình thành cơ sở pháp lý đủ vững chắc

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa, song còn chậm chuyển đổi cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống, kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Trao đổi tại Diễn đàn Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức đầu tuần này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng, những thách thức trên đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng... Trong đó, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi.

Theo ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách vĩ mô, tăng trưởng xanh của Tổ chức GIZ (Đức), kinh tế tuần hoàn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất, gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối về các dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn cho phép tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Sau khi Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề cương Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và Đề cương Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn, như chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp… Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn - nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng - chính là một yêu cầu quan trọng.

Tư duy mở trong phương thức cấp vốn xanh

Tài chính xanh, tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quyết định cho kinh tế tuần hoàn thành công. Với kinh nghiệm hiện có, GIZ sẽ tích cực giúp Việt Nam xây dựng, tạo lập cơ chế thử nghiệm chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình đó, GIZ sẽ tư vấn giúp doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng xanh và sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả nhất.

- Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách vĩ mô, tăng trưởng xanh của GIZ (Đức)

Trong cơ chế thử nghiệm, CIEM đề xuất tiến hành trên 4 nhóm ngành: nông - lâm nghiệp, công nghiệp, vật liệu xây dựng và năng lượng.

“Điều quan trọng nhất là các ngành cần vượt qua khỏi tư duy truyền thống, tránh tình trạng ngành nào chỉ quan tâm đến việc của ngành đó. Mô hình kinh tế tuần hoàn không thể tách rời từng thành phần, mà cần sự kết hợp trong cả nền kinh tế”, ông Dương nói.

Chẳng hạn, dự án kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản...

Với 4 lĩnh vực trên, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất 6 nhóm chính sách thử nghiệm, gồm: chính sách khu công nghiệp - khu kinh tế, chính sách phân loại xanh, chính sách tư vấn công nghệ - chuyển giao công nghệ, chính sách tín dụng xanh - trái phiếu xanh, chính sách đào tạo lao động và chính sách đất đai.

Theo đó, các chính sách thử nghiệm tập trung vào việc ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài hoạt động đầu tư dự án kinh tế tuần hoàn, cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, hay hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp công nghệ để thực hiện kinh tế tuần hoàn...

Theo ông Dennis Quennet, để phát triển kinh tế tuần hoàn là bài toán khó, cần có cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

"Tài chính xanh, tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quyết định cho kinh tế tuần hoàn thành công. Với kinh nghiệm hiện có, GIZ sẽ tích cực giúp Việt Nam xây dựng, tạo lập cơ chế thử nghiệm chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình đó, GIZ sẽ tư vấn giúp doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng xanh và sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả nhất", ông Dennis Quennet nói.

Đồng tình quan điểm nêu trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, cần sớm có cơ chế thử nghiệm cho cơ chế huy động vốn trong kinh tế tuần hoàn.

Ông Thành nhìn nhận, các phương thức cấp vốn truyền thống sẽ không còn nhiều phù hợp trong bối cảnh mới.

Chuyển động tài chính xanh của Việt Nam thời gian qua đã đạt một số tín hiệu tích cực. Từ năm 2021, Việt Nam tham gia các tiêu chuẩn trái phiếu xanh, bền vững ASEAN. Tín dụng xanh từ năm 2017 đến năm 2022 tăng bình quân 22%/năm, dư nợ được đánh giá rủi ro có tính đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) chiếm gần 20% dư nợ nền kinh tế. Các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam bắt đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại thị trường quốc tế như Vingroup, BIM Land, EVNFinance.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, những con số trên vẫn ở mức sơ khai, nhìn nhận về tài chính xanh còn mờ nhạt, trong khi đây là yếu tố quan trọng, cần có cơ chế rõ ràng hơn và an toàn trong luật, chính sách.

Do đó, Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh. Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng. Phát triển, hoàn thiện sàn giao dịch tín chỉ carbon, các sản phẩm giao dịch, thành viên thị trường và môi giới giao dịch, đối tượng giao dịch.

Ông Thành cũng cho rằng, cần xem xét thành lập ngân hàng đầu tư xanh như ở một số quốc gia, hay hình thành quỹ tài chính - tín dụng xanh để cấp vốn xanh cho dự án quan trọng.

“Cần xác định thúc đẩy và hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn là điểm nhấn, là ưu tiên. Kinh tế tuần hoàn cần được xem là một lĩnh vực đầu tư thúc đẩy và hỗ trợ”, ông Thành nói.

Tin bài liên quan