Có thể trông đợi Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ mở ra không gian phát triển mới cho TTCK không, thưa bà?
Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ điều chỉnh hoạt động chứng khoán và TTCK, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, TTCK đã thay đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, hệ thống các quy định pháp luật trong nước có nhiều sửa đổi. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Chứng khoán để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam và phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trên thị trường.
Quan điểm sửa đổi Luật Chứng khoán là quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát triển đồng bộ thị trường vốn, TTCK thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển; tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế, song phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Phạm vi điều chỉnh của Luật được sửa đổi theo hướng khái quát, bao quát nhiều nội dung. Theo đó, bổ sung phạm vi điều chỉnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý nhà nước về TTCK.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa một số khái niệm trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn và pháp luật có liên quan như “tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh”, “chứng quyền có bảo đảm”, “chứng chỉ lưu ký”, “người biết thông tin nội bộ”...
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương cho thị trường là yếu tố quan trọng để duy trì niềm tin trong giới đầu tư. Dự thảo Luật có những quy định mới nào nhằm nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, thưa bà?
Thời gian qua, Bộ Tài chính, UBCK đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, UBCK chưa có thẩm quyền trong việc xác minh tài khoản, dòng tiền, yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra…
Thông lệ và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết cơ quan quản lý TTCK trên thế giới đều có đầy đủ thẩm quyền nhằm phát hiện, làm rõ và xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán. Từ kinh nghiệm, thông lệ quốc tế cũng như khuyến nghị của chuyên gia WB, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCK khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thao túng, nội gián như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm giải trình, đối chất...
Bên cạnh đó, mức phạt cũng như các biện pháp xử phạt được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng, nghiêm khắc hơn.
Được biết, dự thảo nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng hiện nay lên tối thiểu 30 tỷ đồng? Ban soạn thảo căn cứ vào đâu để đưa ra đề xuất này?
Theo quy định của Luật Chứng khoán 2006, công ty cổ phần trở thành công ty đại chúng khi đáp ứng điều kiện về mức vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 cổ đông trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Điều kiện này là phù hợp với thực tiễn thị trường trong giai đoạn xây dựng, ban hành Luật Chứng khoán 2006, nhiều công ty có tính đại chúng quy mô nhỏ, các yêu cầu về công bố thông tin, quản trị công ty còn tương đối mở.
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển hơn 12 năm sau đó, đến nay thị trường đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, với sự tham gia của nhiều công ty đại chúng quy mô vừa và lớn. Các công ty đại chúng quy mô nhỏ tham gia thị trường thời gian đầu cũng đã huy động được thêm vốn điều lệ để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cùng với sự hoàn thiện về hệ thống pháp luật chung, pháp luật doanh nghiệp, đầu tư, kinh tế Việt Nam cũng không ngừng hội nhập với khu vực và thế giới, đòi hỏi sự tăng cường tương ứng về tiêu chuẩn minh bạch, quản trị điều hành doanh nghiệp của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tính đại chúng, niêm yết trên TTCK.
Thực tế hoạt động của các công ty đại chúng cho thấy, công ty đại chúng có quy mô vốn điều lệ 10 - 20 tỷ đồng gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo nhân sự, tổ chức bộ máy, chi phí đáp ứng được đầy đủ các nghĩa vụ, yêu cầu cao về việc quản trị công ty, công bố thông tin của công ty đại chúng trên TTCK.
Chẳng hạn, nghĩa vụ đăng ký chứng khoán, đăng ký giao dịch trên TTCK có tổ chức; nghĩa vụ đảm bảo quản trị công ty đáp ứng các quy định chặt chẽ của Luật Doanh nghiệp, quy định quản trị công ty đại chúng; chi phí kiểm toán bắt buộc theo quy định; bố trí nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn đối với bộ máy quản trị, bố trí nhân sự thường xuyên theo dõi thực hiện công bố thông tin kịp thời… Đề xuất nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng lên tối thiểu 30 tỷ đồng còn căn cứ vào kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.