Tạo không gian mới cho sự phát triển của TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng Thẩm định hồ sơ Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh, không gian phát triển của TP.HCM phải là một không gian mở và gắn kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận.
Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đề án Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa thế nào với chính Thành phố, thưa ông?

Cách đây khoảng 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và coi khu vực này là một động lực cho phát triển đất nước. Trong vùng Đông Nam bộ, TP.HCM là trọng tâm, trung tâm, cũng như là đầu tàu lôi kéo sự phát triển của cả vùng, bởi kinh tế của TP.HCM chiếm gần 60% toàn vùng.

Do vậy, quy hoạch lần này cho TP.HCM là rất quan trọng bởi không chỉ cho Thành phố, mà còn cho cả vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Mục tiêu của vùng Đông Nam bộ đặt ra cho thời gian tới là tốc độ tăng trưởng hàng năm 8-9%, trong đó TP.HCM là 8,5-9%. Đây là mức tăng trưởng cao, do đó, quy hoạch lần này được kỳ vọng có những đột phá mạnh mẽ về tất cả lĩnh vực, từ cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng đến động lực, nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh.

Nếu không có những điều như vậy, thì xử lý các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, ngập úng… sẽ rất nan giải và tiêu tốn nguồn lực của Thành phố rất nhiều.

Trong góp ý, ông có nhắc tới 3 điểm đột phá mà Thành phố nên tập trung khi chỉ ra thực tế tăng trưởng hiện nay của Thành phố chỉ xấp xỉ mức bình quân của vùng và tới năm 2030 cũng chưa có nhiều khác biệt...

Đề án đã nói về các nhiệm vụ đột phá, nhưng theo tôi, cần điểm nhấn rõ ràng. Tôi cho rằng, TP.HCM phải tập trung vào 3 đột phá lớn.

Một là, thể chế phát triển và quản lý đô thị.

Hai là, tập trung công nghiệp công nghệ cao như sản xuất chip hay bán dẫn để làm sao tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Ba là, bứt phá về hạ tầng. Nhu cầu nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông của Thành phố là rất lớn, vì vậy, cần có cách nghĩ khác đi để huy động được nguồn lực với mục tiêu trong 10 năm tới, hạ tầng của Thành phố sẽ đồng bộ và thông minh. Nếu không làm sớm thì sau này sẽ càng tốn kém và khó làm.

Các chuyên gia nhắc nhiều tới mối liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng như khu vực Đông Nam bộ để tạo sức bật mới. Theo ông điều này cần triển khai ra sao?

Trong Đề án Quy hoạch đã nêu một số vấn đề, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh, làm đậm nét và rõ hơn không gian phát triển của TP.HCM. Phải là một không gian mở, gắn kết với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Long An, chứ không phải chỉ một mình TP.HCM phát triển được.

Chẳng hạn, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động phải nhìn nhận không chỉ cho Đồng Nai, mà đó là cửa ngõ giao thương của cả vùng, nhất là cho TP.HCM.

Hay Đồ án đã nêu về liên kết vùng, nhưng cần nhấn mạnh vấn đề liên kết vùng và tác động qua lại trong liên kết vùng giữa TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là các liên kết cảng biển.

TP.HCM đề xuất xây dựng cảng trung chuyển ở Cần Giờ, nhưng đã có cảng trung chuyển ở Cái Lái và có cảng quốc tế ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì thế, phải nhìn rộng ra, nên kết hợp với nhau, hỗ trợ nhau để tạo sức mạnh chung cho phát triển, chứ không phải là cạnh tranh kiểu “anh có, tôi cũng phải có”.

Thành phố cần có liên kết vùng mạnh mẽ và tạo ra những không gian mới, giá trị mới cho sự phát triển trong tương lai.

Ông có nhắc tới việc Đề án nêu ra 9 điểm nghẽn, nhưng chưa chỉ ra được đâu là trọng tâm, trọng điểm. Vậy cần phải làm thế nào, thưa ông?

Chuyên gia về quy hoạch đã đưa rất toàn diện các điểm nghẽn, nhưng nên chốt lại đâu là điểm nghẽn cơ bản ngăn cản Thành phố tăng tốc. Trong Đề án chưa chốt lại được vấn đề gì là trọng tâm trong điểm nghẽn. Có 9 điểm nghẽn, nhưng điểm nghẽn nào là cơ bản nhất thì lại không nêu.

Ví dụ, đề cập thể chế phát triển thì cơ chế nào, thể chế nào, môi trường cần làm gì để Thành phố phát triển lại chưa rõ. Có thể là cũng đã nêu đâu đó, nhưng chưa tạo ra điểm nhấn và xoay quanh điểm nhấn đó.

Do chưa nhìn rõ điểm yếu trong thể chế cho phát triển của TP.HCM, nên các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính đều ở mức trung bình, chưa bật lên được và Thành phố cũng chưa phải là top đầu cả nước, trong khi điều chúng ta mong muốn là Thành phố phải đi đầu, bật lên hàng đầu.

Phải làm đậm nét về điểm nghẽn cần đột phá này để dù có “nhắm mắt” vẫn hình dung rõ ràng được, cảm nhận được, thay vì lại phải đọc đôi chục trang về vấn đề đó, nhất là sắp tới, khi có quyết định của Thủ tướng và đi vào thực hiện thì có thể làm được sớm và trúng ngay.

Ông nói cơ cấu kinh tế của TP.HCM đã dịch chuyển sớm hơn, nhưng chưa tạo ra bứt phá mới. Điều này hiểu thế nào?

Quy hoạch trước đây của TP.HCM đặt ra, công nghiệp và xây dựng phải chiếm 41-45% cơ cấu kinh tế, nhưng đến nay mới đạt 23-24%, tức là mới được có 1/2 mục tiêu thì đã chuyển mạnh sang dịch vụ.

Các chuyên gia quốc tế có cảnh báo nguy cơ chưa giàu đã già ở một số nước khi dịch chuyển cơ cấu kinh tế sớm. Cụ thể, nếu GDP bình quân đầu người dưới 10.000 USD/năm, cần quan tâm nhiều hơn tới phát triển công nghiệp. Nếu đạt mức trên 10.000 USD/năm, thì sẽ chuyển sang dịch vụ.

Ta đã chuyển sớm, nghĩa là chưa phát triển đến tầng nấc cao hơn, chưa công nghiệp hóa, thì đã chuyển sang dịch vụ và từ bỏ công nghiệp sớm.

So với làm dịch vụ, thì làm công nghiệp khó hơn, phải có đầu tư khu công nghiệp, lựa chọn được công nghệ và nhiều thứ liên quan mới tồn tại và phát triển được.

Điều này giống như chưa có gốc đã đi buôn, thích đi buôn để giàu nhanh.

Tuy nhiên, làm công nghiệp trong điều kiện các nơi như TP.HCM hay Hà Nội có chi phí đất cao thì đều khó, chưa kể có những khu công nghiệp ở các địa phương này muốn chuyển thành khu đô thị, khu dân cư vì được cho là có lợi ích tốt hơn.

Như vậy, đóng góp của công nghiệp để giúp Thành phố bật lên với tư cách đầu tàu thời gian tới sẽ không dễ, thưa ông?

Đúng là sẽ khó. Công nghiệp rất quan trọng, chúng ta mong muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đi theo hướng này mấy chục năm, nhưng lại có sự rời bỏ sớm mục tiêu này.

Thành phố cũng dành đất cho các khu công nghiệp lớn, nhưng thực sự chưa hiệu quả. Vẫn là các ngành dệt may, da giày - vốn thâm dụng lao động nhiều, chứ chưa phải là các công đoạn có giá trị gia tăng cao, không phải là các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như làm chip, bán dẫn…

Tin bài liên quan