Vĩ mô ổn định là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.

Vĩ mô ổn định là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo không gian chính sách để bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nền kinh tế năm 2023 có thể trông đợi vào các động lực hỗ trợ để sẵn sàng vượt sóng.

Dấu hiệu giảm tốc

Thời gian gần đây, một số tổ chức quốc tế nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022, đồng thời hạ mức dự báo đối với năm 2023.

Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 6% lên 7 - 7,5%, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 từ 6,2% xuống 5,8%.

Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 7,6% lên 8,1%, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 từ 6% xuống 5,8%.

Ngân hàng Phát triển châu Á nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 từ 6,7% xuống 6,3%.

Lý do hạ dự báo được các tổ chức này đưa ra là bước sang năm 2023, sức cầu bên ngoài chậm lại, điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tác động tích cực từ hiệu ứng mở cửa kinh tế trở lại sau đại dịch Covid-19 của Việt Nam giảm dần, lạm phát cao hơn, xuất khẩu sụt giảm… sẽ khiến kinh tế giảm tốc.

Trong báo cáo tháng 12/2022 mới công bố, Ngân hàng Thế giới đánh giá, hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang chững lại, đồng thời tiêu dùng hậu Covid-19 phục hồi chậm.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng 11 và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế cả năm 2022 đạt 371,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021.

Theo S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 11/2022 của Việt Nam giảm còn 47,4 điểm, xuống dưới ngưỡng trung tính. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica cho biết, PMI giảm là chỉ báo cho thấy trong một vài tháng tới, đơn hàng sản xuất giảm, thời gian giao hàng kéo dài, quy mô sản xuất có thể bị thu hẹp, nhân công có thể mất việc làm…

“Chỉ số PMI đã giảm trên toàn cầu và kéo dài một thời gian. Việc PMI rớt xuống dưới ngưỡng trung tính sau 13 tháng tăng liên tiếp cho thấy một điều là kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” lạm phát và cảm nhận được sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới”, ông Bình giải thích.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Tài chính tổ chức ngày 19/12/2022, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh cho hay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chỉ trong tháng 11/2022, khối doanh nghiệp FDI đã cắt giảm hơn 15.000 lao động (nghỉ luân phiên, nghỉ tạm thời). Dự báo, trong 3 tháng tới, con số này sẽ lên tới 27.000 người.

“Nguyên nhân là quy mô thị trường xuất khẩu giảm do lạm phát, hàng tồn kho tăng và dự báo năm 2023, xu hướng này sẽ còn tiếp tục”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Đức Hiếu, uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khó khăn của nền kinh tế không chỉ đến từ yếu tố khách quan. Trong bối cảnh khó khăn, những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng bộc lộ, ví dụ vấn đề chất lượng xuất khẩu (phụ thuộc FDI), năng suất lao động không tăng, tình trạng doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn cao… Những vấn đề này sẽ tiếp tục là rào cản trong năm 2023.

“Chúng ta phấn khởi vì 11 tháng đầu năm 2022 có 194.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường (tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021), nhưng cũng khá băn khoăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 132.000 (tăng 24,3%). Doanh nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng lực lượng này đang gặp rất nhiều khó khăn về thể chế, về nguồn vốn...”, ông Hiếu nói.

Nhận diện những động lực thúc đẩy

Theo ông Phan Đức Hiếu, nếu nhìn từ góc độ vĩ mô thì động lực phát triển năm 2023 chính là không gian chính sách cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành.

Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đặt mục tiêu GDP tăng 6,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4,5%, năng suất xã hội bình quân tăng 5 - 6%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%... Nghị quyết 68/2022/QH15 cũng nêu chủ trương coi chính sách tài khoá mở rộng là một trụ cột của nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vượt khó, nhưng đồng thời Chính phủ cần phát đi những tín hiệu hỗ trợ rõ ràng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ngoài ra, có 3 gói chính sách quan trọng đang được áp dụng: gói cải cách thể chế (Nghị quyết 02, Nghị quyết 68 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh); gói hỗ trợ doanh nghiệp (Nghị quyết 43, Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023); gói cải cách kinh tế được ban hành trong hai năm 2020-2021 (Nghị quyết 31, Nghị quyết 54).

“Tất cả các công cụ chính sách nói trên có thể gọi là hành trang cơ bản của chúng ta khi bước sang năm 2023 để đạt được mục tiêu mà Quốc hội giao”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh, việc thực thi những chính sách này cần phải được làm kịp thời, quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023. Hiện tại, việc triển khai một số chính sách nói trên diễn ra còn chậm.

Trong nhóm chính sách tài khoá, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ nhất, giống như “đập nước” khi được tháo đúng nơi, đúng lúc sẽ có giá trị tưới tiêu cho cả cánh đồng đang khô hạn, theo cách nói của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/12/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021.

Tuy nhiên, đầu tư công trong những năm gần đây luôn thấp hơn mục tiêu đề ra (giải ngân 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 58,33% kế hoạch năm). Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Việc Trung Quốc nới lỏng giãn cách và khả năng phục hồi sau đại dịch của quốc gia này cũng được coi là động lực của kinh tế Việt Nam năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc dừng chính sách “zero Covid” sẽ tác động tích cực đến Việt Nam, vì tạo ra sức cầu về đầu tư, tiêu dùng, hạn chế sự đứt gãy chuỗi cung ứng (Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam), thúc đẩy hơn nữa quá trình Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Trung Quốc có tham gia, ví dụ RCEP.

“Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa, hàng hoá Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh với hàng hoá nước này, nhất là những mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Doanh nghiệp Việt cần nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa để có thể trụ vững các mặt hàng xuất khẩu tương đồng với Trung Quốc”, ông Lực lưu ý.

Tuy trụ đỡ về xuất khẩu đang có chiều hướng giảm, song TS. Lê Duy Bình kỳ vọng, kinh tế thế giới sẽ phục hồi từ quý II/2023 và xuất khẩu của Việt Nam có thể lấy lại vị thế vào những tháng cuối năm.

Theo ông Bình, từ khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, xuất khẩu Việt Nam đã mở rộng sang một số thị trường mới như Anh, Chi-lê, Canada, Peru, Mexico… và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong khi các thị trường xuất khẩu truyền thống giảm tốc, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường mới, đồng thời chú trọng hơn đến thị trường nội địa.

Ngoài ra, những cam kết của Chính phủ về việc sẽ tháo gỡ khó khăn về dòng vốn cho doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán (sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp) và bất động sản (thành lập tổ công tác giải cứu bất động sản), giảm nhiệt lãi suất sau khi tỷ giá ổn định… sẽ là những động lực quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua “cơn gió ngược” trong năm 2023.

Tin bài liên quan