Kinh tế chia sẻ có vai trò quan trọng trong đời sống.
Kinh tế chia sẻ mở rộng cơ hội kinh doanh
Hôm qua (26/1), Tổ công tác liên ngành về thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã họp lần đầu tiên, nhằm triển khai Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, Tổ trưởng Tổ công tác, mô hình kinh tế chia sẻ đã manh nha ở Mỹ từ năm 1995. Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ bắt đầu xuất hiện từ năm 2014, khi thí điểm mô hình Uber, Grab và sau này là thí điểm trong một số lĩnh vực khác.
“Kinh tế chia sẻ có quá trình hình thành và phát triển, mang tính cấp thiết trong đời sống hiện đại bởi sự tiện ích, nên có vai trò quan trọng trong đời sống”, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho hay.
Theo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ góp phần thúc đẩy kinh doanh, mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng số lượng chủ thể tham gia thị trường trong nền kinh tế; đồng thời, đa dạng hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp và đưa ra nhiều hơn các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, mặc dù thái độ tiếp cận với kinh tế chia sẻ có sự khác nhau giữa các khu vực và giữa các quốc gia, nhưng nhìn chung, mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sự cạnh tranh, tăng tính minh bạch của thị trường trong nền kinh tế, nâng cao hiệu suất của thị trường một số ngành sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, kinh tế chia sẻ tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế...
Tuy nhiên, với mô hình kinh tế chia sẻ, một số sản phẩm có thể bị lũng đoạn bởi doanh nghiệp kinh tế chia sẻ; nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ trong nước, lũng đoạn và chi phối thị trường kinh tế chia sẻ và một số sản phẩm dịch vụ ở Việt Nam; gây ra rủi ro chính sách và pháp lý đối với các chủ thể tham gia thị trường kinh tế chia sẻ...
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, CIEM đề xuất hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý kinh tế chia sẻ, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
“Cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách về tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh chia sẻ trên thị trường trong nước”, ông Nguyễn Hoa Cương cho biết.
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế), Quốc hội mới đây đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2014/QH14, trong đó, chú trọng nội dung quản lý về kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
Ông Huy cho biết, trong Luật Quản lý thuế có quy định trách nhiệm các bộ, ngành trong phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan thuế nhằm chia sẻ, kết nối thông tin để quản lý hoạt động kinh tế chia sẻ…
Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, với các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã và đang thực hiện theo đúng thời hạn của từng mục tiêu cụ thể.