Tạo đột phá hút khách quốc tế: Chính sách visa mới chỉ là bước khởi động

0:00 / 0:00
0:00
Chính sách đổi mới cấp thị thực điện tử (e-visa) có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 được đánh giá là cú hích giúp thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi động, cần nhiều giải pháp dài hơi để tạo đột phá hấp dẫn du khách nước ngoài.
Tạo đột phá hút khách quốc tế: Chính sách visa mới chỉ là bước khởi động

Doanh nghiệp lập tức chuẩn bị sản phẩm mới

Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là tin vui lớn với những người làm du lịch. Lý do là, chính sách visa mới tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho ngành kinh tế xanh trong thu hút khách quốc tế.

Chẳng hạn, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (trước đây chỉ có 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

“Các quy định trên rất thuận lợi cho khách lên kế hoạch du lịch, cả về thời gian, hành trình. Khách có thể đến Việt Nam, đi du lịch ở một số nước trong khu vực, sau đó quay về Việt Nam. Khách có thể xin thẳng visa, không phải qua khâu trung gian”, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc CTCP Đầu tư du lịch bền vững Việt Nam, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam nhận định.

Báo cáo vừa công bố của nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy, chính sách đổi mới cấp thị thực điện tử của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn của du khách quốc tế. Số lượt tìm kiếm thông tin chính sách đổi mới này của du khách tăng 33% trong 2 tuần sau khi Quốc hội thông qua.

Theo đại diện Agoda, phân tích dữ liệu của nền tảng này tập trung vào khách du lịch bay chặng dài đến từ Bắc Mỹ, EU, Australia, New Zealand... Những du khách này thường phải di chuyển bằng các chuyến bay khứ hồi dài và đắt đỏ hơn, khiến họ có xu hướng lên kế hoạch đi nghỉ dài hạn hơn so với du khách đến từ các khu vực gần lân cận. Chính vì vậy, sự linh hoạt và thông thoáng hơn trong quy trình cấp visa, cùng hoạt động quảng bá, tăng cường chuyến bay kết hợp đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty Travelogy Việt Nam cho biết, ngay khi có thông tin Quốc hội phê duyệt chính sách visa mới, Travelogy đã chuẩn bị hơn 260 chương trình chuyên biệt dài ngày hơn với nhiều chương trình hấp dẫn hơn để phục vụ khách hàng châu Âu và khách quốc tế nói chung. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều đoàn khách tham gia các tour này dịp cuối năm nay và đầu năm 2024”, ông Tuyên bày tỏ.

Cần những giải pháp đồng bộ, dài hơi

Cần phải nâng cao chất lượng nhân sự du lịch, vì nhân lực kém thì sản phẩm tốt bao nhiêu cũng không đáp ứng được yêu cầu, chứ chưa nói đến việc tạo sức hút với khách quốc tế.

- Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội

Theo các đơn vị lữ hành, đối với khách châu Âu, khi sang Việt Nam, họ mất 10 đến 12 tiếng bay thẳng, nếu quá cảnh có thể lên đến 30 tiếng. Hay đối với thị trường Nhật Bản, lượng khách chủ yếu là hưu trí và đi công tác kết hợp du lịch, thì thời gian 90 ngày lưu trú là điểm hấp dẫn. “Với thời gian 90 ngày lưu trú tại Việt Nam thì các công ty du lịch có thể đưa ra những chương trình hấp dẫn, có thể kéo dài 3 - 6 tuần. Như vậy, chi tiêu của khách sẽ nhiều hơn, tỷ lệ lưu trú dài hơn. Tôi cho rằng, các nhà cung cấp cũng như chuỗi cung ứng du lịch của Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển nhanh chóng”, ông Tuyên nói.

Phấn khởi đón chính sách mới, song các doanh nghiệp du lịch vẫn nhiều băn khoăn về hạ tầng du lịch Việt Nam hiện nay chưa thực sự đủ hấp dẫn để giúp du khách có những trải nghiệm thật sự ấn tượng và níu chân du khách trong khoảng thời gian dài. Để chính sách phát huy được hiệu quả, ngành du lịch phát triển bền vững, thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, phải nâng cấp cái sản phẩm đang có và cố gắng tạo ra những sản phẩm dù là nhỏ, nhưng đáp ứng được tính tò mò của du khách thì phải làm.

Thực tế, nếu xét về số lượng khách du lịch quốc tế hằng năm, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, thì Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên vị trí thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, xét về doanh thu bình quân trên một khách, Việt Nam lại giảm từ vị trí thứ 5, xuống thứ 6. So với Thái Lan, mức chi tiêu khách quốc tế ở Việt Nam chỉ bằng 40%.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Quy, CEO Công ty TNHH Du lịch quốc tế Inbound Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phải tự nâng cao khả năng phục vụ. “Trong ngành lữ hành, yếu tố phục vụ tại chỗ rất quan trọng. Những đơn vị tiếp cận cuối cùng phục vụ khách hàng chính là các khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm… phải tự chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để níu chân, cũng như kích thích khách hàng chi tiêu nhiều hơn”, ông Quy nói.

Ngành kinh tế xanh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để bứt tốc, do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có những chính sách tổng thể, dài hơi, vượt trội như mở rộng thêm diện đơn phương miễn thị thực; triển khai những chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến tầm quốc gia; tạo thêm những sản phẩm du lịch mới độc đáo...

Tin bài liên quan