TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Đây là lần thứ hai, Viện Chiến lược phát triển có báo cáo toàn diện về VPE500. Thưa ông, bức tranh toàn cảnh về VPE500 năm 2023 có điểm gì nổi bật?
Cũng như các nước trên thế giới, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hùng mạnh, sử dụng nhiều lao động luôn hoạt động hiệu quả vượt trội so với số doanh nghiệp tư nhân còn lại.
Với 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay, bình quân mỗi đơn vị có quy mô lao động gấp 160 lần, tổng tài sản gấp khoảng 376 lần mức bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân còn lại. Nhờ đó, mặc dù chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ (0,075%) trong tổng số khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân trên cả nước, nhưng 500 “sếu đầu đàn” đã và đang tạo việc làm cho 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản, tạo ra 18,4% doanh thu và đóng góp 18,4% nộp ngân sách của nhóm doanh nghiệp tư nhân.
Tiềm lực tài chính hùng mạnh, lại sử dụng nhiều lao động, thì tạo ra nhiều doanh thu, đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước cũng là lẽ đương nhiên, thưa ông?
Nếu chỉ có vậy, thì cũng không cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù để giúp 500 “sếu đầu đàn” tăng tốc nhanh hơn, mạnh hơn, xa hơn. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, năng suất lao động của VPE500 tăng khoảng 7,6%/năm - tăng nhanh nhất so với cả khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực tư nhân còn lại.
Chính phủ đặc biệt quan tâm đến hoạt động đổi mới sáng tạo, vì trong kỷ nguyên 4.0, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, rộng hơn là cạnh tranh giữa các quốc gia, không còn là lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên, mà chính là đổi mới sáng tạo.
VPE500 vượt trội so với tất cả doanh nghiệp khác về thực hiện đổi mới sáng tạo và tự động hóa. Cụ thể, có tới 43% doanh nghiệp thuộc VPE500 có hoạt động nghiên cứu và phát triển, gấp gần 3 lần tỷ lệ của DNNN; gấp 4 lần tỷ lệ của doanh nghiệp FDI và gấp tới 27 lần tỷ lệ của doanh nghiệp tư nhân nói chung. Có tới 44% doanh nghiệp VPE500 có hệ thống tự động hóa, cao gấp 20 lần tỷ lệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước; cao hơn tỷ lệ 21,6% của DNNN và 13,3% của doanh nghiệp FDI.
Mỗi khu vực doanh nghiệp có những đóng góp quan trọng nhất định đối với sự phát triển. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp lớn đối với nền kinh tế?
VPE500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của doanh nghiệp FDI và DNNN. Cứ mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của VPE500 làm tăng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% tổng năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc doanh nghiệp vệ tinh của VPE500.
Thương trường vẫn thường xảy ra việc “cá lớn nuốt cá bé”. Thời gian qua, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) giữa VPE500 và các doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra như thế nào, thưa ông?
Trong cơ chế thị trường, việc doanh nghiệp lớn mua lại doanh nghiệp nhỏ hoặc 2 - 3 doanh nghiệp nhỏ sáp nhập với nhau để trở thành một doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh là điều bình thường. Chính vì vậy, trên thế giới đã hình thành thị trường M&A từ rất sớm.
Ở Việt Nam, thị trường M&A đã hình thành và ngày càng phát triển. Giá trị các thương vụ M&A thành công hàng năm lên tới chục tỷ USD.
Theo tính toán của chúng tôi, nếu doanh thu của VPE500 tăng 1% sẽ làm giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân cùng lĩnh vực ở khu vực hạ nguồn 0,11%. Nhưng ở khu vực thượng nguồn, khi doanh thu của VPE500 tăng, sẽ thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp tư nhân trong nước nhờ cung cấp hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cho VPE500. Đây là sự hợp tác, chứ không phải cạnh tranh.
Điều này phù hợp với lý thuyết, doanh nghiệp nhỏ nếu trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp lớn, thì cùng tồn tại và phát triển, vì hai bên “cộng sinh”. Ngược lại, nếu cạnh tranh trực diện, thì chỉ có sự triệt tiêu lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau.
Vậy theo ông, cần có chính sách, cơ chế đặc thù như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của “sếu đầu đàn”?
Tất cả mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong một môi trường cạnh tranh minh bạch, nhưng đối với từng thành phần lại rất cần có những chính sách khác nhau để hỗ trợ.
Chúng ta có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ khu vực hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thì cũng rất cần cơ chế riêng và phải đặc thù dành cho những doanh nghiệp lớn.
Nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... có được sự thịnh vượng như ngày nay cũng là nhờ vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp lớn. Nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ của Chính phủ bằng nhiều biện pháp, chính sách khác nhau, thì ngày nay chắc khó có những thương hiệu tư nhân nổi tiếng toàn cầu với giá trị vốn hóa lên đến cả trăm tỷ USD như Samsung, Hyundai, LG, Daewoo, Toyota, Hitachi, Mitsubishi, Honda, Huawei, Alibaba Group, Tencent...
Việt Nam rất cần có những tên tuổi lớn xứng ngang với các doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới. Chính những doanh nghiệp lớn mới có tác động lan tỏa về năng suất tới phần còn lại, như một lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường. Không chỉ là niềm tự hào dân tộc, mà doanh nghiệp lớn có thể định hình mô hình kinh doanh và tăng trưởng cũng như có tính quyết định trong các vấn đề chiến lược như cải tiến công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và các vấn đề khác.