Khu tiếp nhận thủ tục hành chính một cửa của Sở Kế hoạch - Đầu tư Đồng Nai tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN
Đây là một chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, được ví như “làn sóng” cải cách thứ 3 tại Việt Nam với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Để tổ chức triển khai Chương trình, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh. Công cụ này được xây dựng để thực hiện mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ và bảo đảm duy trì tính bền vững của cải cách thể chế nói chung cũng như cải cách quy định kinh doanh nói riêng, hướng tới tiệm cận với thực tiễn tốt của quốc tế.
Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh cung cấp thông tin một cách chính thống, toàn diện và tập trung về các quy định kinh doanh; đồng thời là kênh giao tiếp, tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên môi trường điện tử, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp.
Mọi người dân, doanh nghiệp đều có thể giám sát, đánh giá và bày tỏ ý kiến của mình về quy định kinh doanh, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải trình trong xây dựng, ban hành và thực thi quy định kinh doanh; công khai, minh bạch tiến độ, kết quả cải cách của các bộ, ngành, qua đó, nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh nói riêng và thể chế nói chung.
Đưa vào vận hành từ tháng 11/2021, Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh hỗ trợ các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Nghị quyết số 68/NĐ-CP, tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp, đánh giá và theo dõi mức độ hoàn thành mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.
Theo thống kê từ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), năm 2021, thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa, cả nước đã thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh gồm: 113 yêu cầu kinh doanh; bãi bỏ 455 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 507 thủ tục hành chính và 26 chế độ báo cáo (sửa đổi, bổ sung 70 văn bản quy phạm pháp luật); đồng thời xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, cập nhật 7.022 quy định kinh doanh; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 7 phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định kinh doanh (dự kiến sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật); tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (có 1.888 dịch vụ công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp)…
Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh đã, đang và sẽ được kết nối, chia sẻ với một số Cơ sở dữ liệu và Hệ thống thông tin khác nhằm khai thác, sử dụng tối đa nguồn dữ liệu hiện có của các bộ, ngành, tránh lãng phí nguồn lực. Trong đó, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để khai thác dữ liệu thủ tục hành chính; với Cổng Dịch vụ công quốc gia để sử dụng nền tảng định danh, xác thực người dùng, đồng thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Kết nối với Công báo điện tử của Văn phòng Chính phủ và Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp để hỗ trợ khai thác dữ liệu về căn cứ pháp lý của quy định kinh doanh.
Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp thực hiện báo cáo theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước; với Cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để khai thác dữ liệu về các doanh nghiệp phục vụ tham vấn hướng đến đối tượng.
Kết nối với Cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn – quy chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ để khai thác dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương để gửi, nhận văn bản và xử lý các vấn đề liên quan đến quy định kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, năm 2022, Chính phủ đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 đối với các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ); tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động đối với các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng tham vấn quy định kinh doanh.
Các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hóa quy định kinh doanh trước ngày 30/9/2022, bảo đảm tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa 10% quy định; chi phí tuân thủ quy định kinh doanh; cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai kịp thời quy định kinh doanh (gồm quy định hiện hành và dự kiến ban hành), kết quả rà soát, chi phí tuân thủ, phương án cắt giảm, đơn giản hóa vào Cơ sở dữ liệu quy định kinh doanh. Tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, rà soát, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia hình thành Hệ thống thông tin thống nhất về giải quyết thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương. Thiết lập kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tại Bộ phận Một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022 theo tiến độ Chính phủ giao tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính).
Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, trình trong quý I/2022; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về đánh giá chất lượng quản trị công trong cải cách quy định kinh doanh và thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; hoàn thành trong tháng 3/2022 và theo dõi, đánh giá kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và việc thực hiện thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương.
"Hiện, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, tạo đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quy định kinh doanh tại Việt Nam, bảo đảm triển khai hiệu quả việc cập nhật, công khai dữ liệu quy định kinh doanh; rà soát, đánh giá, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh…", ông Ngô Hải Phan cho hay.