Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế và “diễn ra khá đồng đều” giữa các địa phương
Sức mạnh kinh tế được tăng cường
“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022, trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái”. Nhận định này đã một lần nữa được nhấn mạnh trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, được Chính phủ gửi tới Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV, khai mạc vào ngày mai (20/10).
Trên thực tế, ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022, với tăng trưởng GDP quý III đạt 13,67%, còn 9 tháng là 8,83%, nhận định của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Sang làm việc với Việt Nam vào đầu tháng 10/2022, khi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đồng thời dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm nay.
“Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày, nhưng với Việt Nam, thì có căn cứ để tin tưởng rằng, nhìn chung, bức tranh kinh tế là tích cực, bất chấp các cú sốc bên ngoài. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Nếu thực hiện tốt các giải pháp, thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa”, bà Era Dabla-Norris, đại diện IMF đã nói như vậy.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng cho biết, ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Còn 2 tháng nữa mới “chốt sổ”, nhưng gần như chắc chắn, sẽ có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đạt và vượt mục tiêu đề ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4% trong quý IV, thì tăng trưởng cả năm sẽ đạt khoảng 7,5%. Còn nếu quý IV tăng trưởng khoảng 6%, thì cả năm sẽ đạt mức tăng trưởng 8%. Bởi thế, nếu không có những diễn biến quá bất thường, khả năng đạt mức tăng trưởng 8% là rất cao.
“Nhiều chuyên gia nhận định, sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện nay; qua đó, tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021-2025”, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội như vậy.
Giữ vai trò là cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đồng tình các đánh giá của Chính phủ. Theo Ủy ban Kinh tế, đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế và “diễn ra khá đồng đều” giữa các địa phương, khi có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 6%.
Tạo đà cho sự phục hồi và phát triển kinh tế
Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhận định, ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng các năm tiếp theo của đất nước.
Câu hỏi được đặt ra là, sự phục hồi của nền kinh tế được bắt đầu từ đâu và nhờ đâu? Rất nhiều câu trả lời có thể đưa ra. Nhờ sự chuyển hướng kịp thời chiến lược chống dịch của Việt Nam và dấu ấn là Nghị quyết số 128/NQ-CP. Nhờ vào quyết định mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Nhờ vào nỗ lực thực thi Nghị quyết số 01/NQ-CP. Và đặc biệt là nhờ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023.
“Nghị quyết 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng”, Ủy ban Kinh tế nhận định.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng cho biết, việc thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu đạt được mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2022, đã có trên 60.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân, chưa kể hơn 46.000 tỷ đồng chi để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tỷ lệ giải ngân mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình khiến Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc giải ngân còn khá thấp và chính Chính phủ cũng đã thừa nhận điều này, nhất là đối với việc hỗ trợ lãi suất 2% hay gói hỗ trợ cho thuê nhà…
Trong khi đó, liên quan đến việc giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, vẫn còn những băn khoăn về nhóm giải pháp này.
“Đây là nhóm giải pháp đòi hỏi khoảng thời gian dài hơi hơn so với các nhóm giải pháp khác, bởi chúng ta phải trải qua một giai đoạn chuẩn bị về thủ tục thì mới có thể triển khai được”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và nhấn mạnh, khi các dự án này được triển khai trong năm tới và đặc biệt là sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ tác động tích cực, thậm chí là tác động “cấp số nhân” lên nền kinh tế.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết, “lộ trình” thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội rất rõ ràng. Với năm 2022, là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội; thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp…
Trong khi đó, đối với năm 2023, là đẩy mạnh thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình, trong đó tập trung vào các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng quy mô lớn…
Hơn nữa, điều quan trọng, một cấu phần của Chương trình là phòng, chống dịch Covid-19. Cả Chính phủ và Quốc hội đều thống nhất nhận định, chống dịch tốt đã tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế. Thậm chí, Thứ trưởng Trần Quốc Phương còn cho rằng, đó như “đôi chân” để nền kinh tế phục hồi một cách chắc chắn.
Như vậy, việc thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã đúng kế hoạch. Và một cách rất rõ ràng, việc thực thi Chương trình trong thời gian qua đã góp phần quan trọng tạo đà cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.