Tạo cơ chế để Hải Phòng "bứt tốc"

Tạo cơ chế để Hải Phòng "bứt tốc"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt lợi thế bất động sản, Hải Phòng còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng được tiềm năng cần thêm các giải pháp gỡ “nút thắt” về quy hoạch trong tầm nhìn phát triển chung và dài hạn.

Đây cũng là chủ đề chính trong Hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản” do Báo Tiền Phong tổ chức tại Hải Phòng sáng nay.

Theo các chuyên gia, Hải Phòng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, hiện nay riêng FDI thu hút hơn 23 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất.

Địa phương thu hút hơn 500.000 công nhân là người dân các tỉnh lân cận dịch chuyển đến làm việc. Chính vì vậy, nhu cầu nhà ở, phát triển đô thị ở Hải Phòng những năm qua tăng cao và đặc biệt trong những năm tới.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đến Hải Phòng đầu tư xây dựng các khu đô thị chất lượng cao ở như khu đô thị ven sông Lạch Tray, ven sông Cấm…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, các khu chung cư tại Hải Phòng còn chậm phát triển. Trong đó, giá đất chưa cao nên nhà chung cư thương mại chưa phát triển tại nhiều địa phương. Hiện có các nhà đầu tư đã về đầu tư xây dựng chung cư kết hợp khách sạn cao cấp như ở phố Trần Quang Khải, đường Lạch Tray… với hàng nghìn căn hộ.

Trong phân khúc nhà ở xã hội, Tập đoàn Hoàng Huy đã đầu tư 2 khu với gần 3.000 căn hộ đã đưa vào hoạt động. Tính đến hết năm 2021, thành phố Hải Phòng có tổng diện tích sàn đạt 54.000 triệu m2, bình quân 26 m2/người.

Những năm tới, cơ hội đầu tư vào bất động sản thành phố còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu.

"Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư về thành phố đầu tư. Thành phố muốn lắng nghe các vướng măc, khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thành phố có những cải tiến nhằm phát triển hơn nữa", ông Tùng nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Hải Phòng đã làm quy hoạch phát triển tổng thể, đây là việc quan trọng giúp định hình chân dung phát triển mới. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang xin ý kiến từ cấp trên chấp thuận.

Có 3 nhóm vấn đề đặt ra cho Hải Phòng, bao gồm: Thứ nhất là phải nhận diện được thế và lực, thực lực của Hải Phòng như thế nào, Hải Phòng cần gì để tiếp tục phát triển. Hai là định hướng phát triển cho Hải Phòng như là 1 tọa độ phát triển quốc gia như thế nào. Đây không phải định hướng của riêng Hải Phòng, mà là định hướng phát triển vùng. Nếu không làm được tầm nhìn bất động sản sẽ cản trở sự phát triển. Và Ba là cách tiếp cận tầm vĩ mô.

Ông Thiên cho biết, Hải Phòng có riêng Nghị Quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố, đây là Nghị quyết rất đặc biệt. Nghị quyết là một trong những "bảo bối" để nhận diện tiềm năng của Hải Phòng. Các địa phương muốn làm cơ chế đặc thù phải tham khảo. Nghị quyết cũng xác định tầm vóc của Hải Phòng, đánh giá tích cực tiềm năng phát triển của Hải Phòng.

Trong 7 năm vừa qua, mà cụ thể từ năm 2016, Hải Phòng đã có những đột phá phát triển, chân dung Hải Phòng được định hình. Hải Phòng đã đạt được những tiêu chí quan trọng như: Dân số đứng thứ 5 cả nước; GRPD, thu hút doanh nghiệp FDI đứng thứ 6 cả nước... Định vị vị thế quốc gia, Hải Phòng đứng thứ 3 chỉ sau Hà Nội và TPHCM.

“Theo chúng tôi đánh giá khi làm tầm nhìn cho Hải Phòng, về mặt kinh tế với tư cách trung tâm nhập quốc tế, Hải Phòng có vai trò quan trọng hơn Hà Nội vì đây là tọa độ kinh tế bậc nhất” ông Thiên nhấn mạnh khi nhắc tới địa thế sở hữu cảng trung chuyển quốc gia, sân bay quốc tế, đường cao tốc,…và đặc biệt là khả năng thu hút FDI.

Tuy nhiên, điểm hạn chế cần lưu ý hiện nay là chất đô thị hiện đại của Hải Phòng chưa thực sự thể hiện rõ như thiếu trường Đại học, thiếu bệnh viện, trung tâm hàng đầu của khu vực để dẫn dắt kinh tế mà lại rất thiếu. Ngoài ra, sức hấp dẫn dân cư và lao động của Hải Phòng đang rất thấp, Hải Phòng gần như đứng yên tại chỗ về dân số. Di chuyển tăng trưởng dương trong nhiều năm. Số dân di chuyển ra ngoài thành phố Hải Phòng tương đương với dân đẻ ra.

“Người đi khỏi Hải Phòng nhiều thanh niên, trong khi dân số để ra chưa có năng lực lao động. Cân bằng dân số của Hải Phòng được hiểu theo nghĩa số lao động có chất lượng đang bị hút đi. Đây là phần quyết định triển vọng chất lượng đô thị, khi làm đô thị, làm phát triển cần tính đến” ông Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Cen Group, do sự phát triển của Hải Phòng trong thời gian vừa qua thiên về phát triển công nghiệp và dịch vụ, nên dân số có sự thay đổi lớn và phần lớn người dân đến Hải Phòng làm việc là lực lượng lao động, nên nhu cầu về bất động sản nhà ở sẽ đi theo hướng là nhà ở xã hội.

Ngoài ra, các loại hình bất động sản cao cấp như BĐS nghỉ dưỡng, nhà ở hạng sang còn khá ít và chưa đạt được tầm như láng giếng là Quảng Ninh. Trong khi, phân khúc này tạo ra giá trị rất lớn cho ngành bất động sản, giá trị điền tức (đất đai) rất là cao.

Dưới góc độ cá nhân, ông Hưng rất mong muốn quy hoạch của Hải Phòng tiếp cận được với quy hoạch của thành phố hiện đại, mà chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm và tham khảo của các nước trong khu vực trong thời gian vừa qua, và các địa phương trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Ninh Thuận,…

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng rất mong muốn rằng thông tin quy hoạch, triển khai hạ tầng các dự án đã được phê duyệt quy hoạch sẽ được công khai, để thúc đẩy tiến độ dự án", ông Hưng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan