Trong lần sửa Luật Chứng khoán này, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong lần sửa Luật Chứng khoán này, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tạo bước tiến về minh bạch từ việc sửa Luật Chứng khoán

(ĐTCK) “Thị trường chứng khoán đã thay đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, hệ thống các quy định pháp luật trong nước có nhiều sửa đổi, nên cần sửa Luật Chứng khoán để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam và phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trên thị trường…”, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Ban soạn thảo Luật cho biết.

Thời gian qua, có một số doanh nghiệp tăng vốn nhanh, tăng nhiều trong khi tình hình sản xuất - kinh doanh, chất lượng quản trị công ty không theo kịp, dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả. Trong lần sửa luật này, dự thảo có bổ sung quy định gì nhằm khắc phục tình trạng trên để bảo vệ nhà đầu tư, thưa bà?

Pháp luật hiện hành chưa quy định giới hạn về quy mô của các đợt phát hành, khoảng cách giữa các đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp, mà đây là quyền của đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Pháp luật cũng chỉ quy định tổ chức phát hành 1 năm liền trước năm đăng ký chào bán, phát hành cổ phiếu phải có lãi.

Vì vậy, có trường hợp doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng chỉ có báo cáo tài chính năm liền trước có lãi, mặc dù những năm trước đó lỗ và hoạt động kinh doanh có nhiều biến động, tính ổn định không cao...

Đối với tình trạng này, tham khảo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế cho thấy, nhiều thị trường quy định thời gian kinh doanh có lãi của tổ chức chào bán cổ phiếu ra công chúng dài để đảm bảo tính ổn định và phát triển của các doanh nghiệp trước khi thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Chẳng hạn, Trung Quốc đặt ra điều kiện, doanh nghiệp phải có ít nhất 3 năm tài chính có lãi và lãi ít nhất 30 triệu Nhân dân tệ; dòng tiền thuần cộng dồn từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong 3 năm tài chính gần nhất đạt trên 50 triệu Nhân dân tệ hoặc thu nhập cộng dồn trong 3 năm tài chính gần nhất đạt hơn 300 triệu Nhân dân tệ; tổng vốn cổ phần trước khi phát hành đạt ít nhất 30 triệu Nhân dân tệ; không có lỗ trong năm tài chính gần nhất.

Hay Thái Lan đặt ra điều kiện doanh nghiệp phải có lãi ròng cộng dồn từ 2 năm trở lên ít nhất 50 triệu Bath và năm gần nhất có lãi ròng ít nhất 30 triệu Bath.

Singapore đặt ra quy định doanh nghiệp phải có ít nhất 3 năm hoạt động và lãi trước thuế của năm gần nhất là 30 triệu đô-la Singapore hoặc có ít nhất 3 năm hoạt động, có lãi trong năm tài chính gần nhất và vốn hóa ít nhất 150 triệu đô-la Singapore; hoặc có ít nhất 1 năm hoạt động và có vốn hóa ít nhất 300 triệu đô la Singapore…

Vì vậy, để khắc phục bất cập trên, trong khi vẫn đảm bảo quyền huy động vốn của doanh nghiệp, trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường, tham khảo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, Ban soạn thảo đề xuất nâng quy định điều kiện hoạt động kinh doanh lên 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán cổ phiếu phải có lãi, thay vì 1 năm như luật hiện hành.

Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết chắc chắn; lần chào bán thêm phải cách tối thiểu 1 năm sau lần chào bán gần nhất. 

Thị trường, nhà đầu tư đang quan ngại về tình trạng giao dịch nội gián do hạn chế của quy định về nghĩa vụ công bố thông tin. Dự thảo có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Trong lần sửa Luật Chứng khoán này, Ban soạn thảo đề xuất tiếp tục hoàn thiện, quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin của các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là đối tượng người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của họ, cổ đông lớn là đối tượng có lợi thế về thông tin nhằm phòng ngừa rủi ro sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch chứng khoán...

Cùng với sửa đổi, hoàn thiện quy định về công bố thông tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ sửa đổi để tăng cường các chế tài xử lý nhằm đảm bảo tính răn đe đối với hành vi thao túng, nội gián.

Tại dự thảo Luật đang đề xuất bổ sung quy định một số hình thức xử phạt bổ sung mạnh tay như: đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; cấm tham gia các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc sửa đổi, hoàn thiện nghĩa vụ tuân thủ và chế tài đảm bảo thi hành sẽ góp phần răn đe, giảm bớt rủi ro vi phạm pháp luật trên thị trường.  

Một nội dung mới đáng chú ý tại dự thảo là đề xuất tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Lý do của việc này là gì, thưa bà?

Thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có thẩm quyền trong việc xác minh tài khoản, dòng tiền, yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra... Vì vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với hành vi thao túng, nội gián còn gặp nhiều khó khăn.

Thông lệ và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trên thế giới đều có đầy đủ thẩm quyền nhằm phát hiện, làm rõ và xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Theo Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch chứng khoán Mỹ năm 1934, các nhân viên của Ủy ban Chứng khoán Mỹ - SEC có quyền triệu tập nhân chứng, lấy lời khai hoặc lời chứng có tuyên thệ; thu thập bằng chứng, yêu cầu cung cấp bất kỳ tài liệu, hồ sơ nào mà SEC cho rằng có liên quan đến vụ việc; yêu cầu các cơ quan, tổ chức phối hợp trong việc xác minh, làm rõ, thu thập thông tin.

Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Đức- Bafin có thẩm quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp bất kỳ thông tin cần thiết cho cuộc điều tra, bao gồm cả thông tin điện thoại, email; khám xét tài sản hoặc địa điểm kinh doanh của đối tượng nghi vấn; yêu cầu tổ chức, cá nhân đến giải trình, lấy lời khai, điều trần...

Những quy định trên cũng xuất hiện tại các thị trường chứng khoán lân cận Việt Nam. Chẳng hạn như Luật Chứng khoán của Trung Quốc (Điều 180) quy định:

Cơ quan Giám quản (Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc) có thẩm quyền thực hiện các biện pháp: Triệu tập các bên liên quan, các đơn vị và cá nhân liên quan đến sự việc và yêu cầu họ giải trình; xem xét và sao chụp các tài liệu như đăng ký tài sản, sao kê liên lạc liên quan đến sự việc;

Xem xét và sao chụp sao kê giao dịch chứng khoán, tài liệu đăng ký và chuyển nhượng, tài liệu tài chính kế toán của đơn vị, cá nhân liên quan đến sự việc; thẩm tra tài khoản tiền và chứng khoán, tài khoản ngân hàng của các bên liên quan và của đơn vị, cá nhân liên quan đến sự việc...

Hay như Cơ quan Thanh tra giám sát thị trường chứng khoán của Nhật Bản - SESC (thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Nhật Bản - FSA) có quyền: Thẩm vấn cá nhân liên quan đến vụ việc; yêu cầu cá nhân nộp tài liệu, thông tin, dữ liệu (trên máy tính, điện thoại...) là vật chứng; khám xét địa điểm kinh doanh của đối tượng tình nghi và thu giữ các vật chứng liên quan; yêu cầu các cơ quan công quyền hoặc tổ chức tư nhân phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo về các vấn đề liên quan đến vụ việc.

Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Ấn Độ - SEBI có quyền yêu cầu cung cấp thông tin để thanh tra, kiểm toán từ mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến thị trường chứng khoán, tổ chức trung gian và các tổ chức tự quản trên thị trường chứng khoán;

Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu lưu giữ từ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, bao gồm bất kỳ ngân hàng hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Ấn Độ mà SEBI cho rằng có liên quan đến bất kỳ hoạt động thanh tra, điều tra của SEBI về giao dịch chứng khoán.

Từ kinh nghiệm, thông lệ quốc tế, khu vực cũng như khuyến nghị của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Ban soạn thảo đề xuất bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thao túng, nội gián như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm giải trình, đối chất...

Việc bổ sung thẩm quyền này không chỉ giúp thị trường chứng khoán tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, giúp cơ quan quản lý tăng cường năng lực phát hiện xử lý vi phạm thao túng, nội gián, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, mà còn tăng cường năng lực phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trên thị trường.

Tin bài liên quan