Ngày dài tăng vốn
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) là một câu chuyện điển hình, ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn khi vẫn còn mang tên cũ là Navibank. Kế hoạch chỉ là kế hoạch bởi suốt từ năm 2010 khi NCB niêm yết trên sàn chứng khoán (mã: NVB), vốn điều lệ của NCB vẫn ở mức tối thiểu theo luật định là 3.000 tỷ đồng.
Sau hơn 4 năm, đến thời điểm này, NCB đang thụt lùi khi đang phải tính tới việc xin hủy niêm yết do giá cổ phiếu liên tục sụt giảm kể từ khi lên sàn, khó thu hút sự quan tâm nhà đầu tư để tập trung hơn vào quá trình tái cơ cấu.
Một câu chuyện khác có tên VietA Bank, năm 2014, ngân hàng này đặt kỳ vọng tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng, nhưng bây giờ đã là năm 2015, sự im lặng vẫn vẹn nguyên! Cần phải nói rằng, lãnh đạo VietA Bank từ hơn một năm trước đã cho biết, nhu cầu bổ sung nguồn vốn mới là rất cần thiết cho Ngân hàng để tái cấu trúc.
Trước đó, với mục tiêu tăng lên mức 3.500 tỷ đồng trong năm 2013 của VietA Bank cũng không đạt được, trong khi lộ trình tăng vốn của VietA Bank là đến năm 2015 phải tăng lên mức 5.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết của ĐHCĐ 2014.
Chỉ còn một năm để VietA Bank giải bài toán vốn này. Năm 2015 cũng là năm cuối cùng mà Ngân hàng đặt ra mục tiêu phải hoàn thành việc tái cơ cấu theo đề án đã được NHNN phê duyệt. Tất nhiên, cũng có một phương án khác có thể xảy ra là hợp nhất hay sáp nhập với ngân hàng khác, theo Nghị quyết của ĐHCĐ VietA Bank đưa ra năm ngoái.
Trong một động thái tái cấu trúc nguồn vốn sở hữu, thời điểm cuối năm 2014, VietA Bank công bố thoái vốn khỏi những cổ phiếu mà ngân hàng này có tỷ lệ sở hữu cao. Trong số đó, có 3,99% vốn ở CTCP Đất Xanh (DXG), 11% vốn ở CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN), 3,91% cổ phần ở Gỗ Trường Thành (TTF). Động thái của VietA Bank được cho là nhằm dọn đường cho quy định mới trong hoạt động tín dụng của ngân hàng (Thông tư 36).
Dù tăng vốn thành công lên 5.000 tỷ đồng năm 2012, nhưng DongA Bank là một câu chuyện cũng cần phải nhắc tới. Trong bối cảnh các ngân hàng nhóm trên liên tục bứt phá về quy mô tài chính, DongA Bank đã đặt tiếp kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng lên mức 6.000 tỷ đồng sau đợt tăng vốn đầu. Kế hoạch này cuối cùng đã phải hủy bỏ vào đầu năm 2014.
Lý do là cổ đông không đóng đủ tiền, dù nhà băng này đã huy động được gần 70% kế hoạch. Việc tăng vốn điều lệ vẫn là câu chuyện mà DongA Bank theo đuổi, song trên thị trường đang xuất hiện thông tin DongA Bank sẽ “về chung nhà” với một ngân hàng khác.
Niêm yết, bao giờ?
Hiện cả 2 sàn chứng khoán đã có gần chục ngân hàng niêm yết: VCB, CTG, ACB, EIB, STB, SHB, MB, BID. Nhưng trong yêu cầu của NHNN, các ngân hàng là doanh nghiệp đại chúng phải niêm yết. Điều này có nghĩa còn gần 20 ngân hàng phải thực thi yêu cầu này, dự kiến ngay trong năm 2015.
Niêm yết chưa hẳn đã có lợi cho các ông chủ thực sự của các ngân hàng, nhưng với hệ thống ngân hàng sẽ có lợi khi mức độ minh bạch phải lớn hơn, hạn chế bớt tình trạng sở hữu chéo. Nhưng với nhiều ngân hàng, sự “lần lữa” nằm ở việc cổ phiếu ngân hàng chưa lấy lại được sức thu hút, việc niêm yết không hẳn có lợi cho cổ đông và kế hoạch tăng vốn.
DongA Bank cũng là một ngân hàng trong tình trạng này. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, từng cho biết ý định về việc niêm yết trước, thu hút vốn ngoại sau. Nhưng tiếc rằng, ý định này đến nay vẫn đang bị trì hoãn.
Khi thị trường vẫn còn thuận lợi, HĐQT DongA Bank từng đặt ưu tiên cho kế hoạch niêm yết khi nhấn mạnh việc lên sàn là điều kiện cần thiết để minh bạch thông tin, tạo tính hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, khi kế hoạch trên của DongA Bank chưa kịp được thực hiện thì khủng hoảng xảy ra và chứng khoán sụt giảm khiến ngân hàng không còn mặn mà với việc lên sàn. Vì vậy, HĐQT của DongA Bank đã hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn và cho biết, chỉ niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi để tránh thiệt hại cho cổ đông, nhất là với cổ đông nhỏ.
Tất nhiên, các kế hoạch sẽ không thể trì hoãn mãi. Trong một động thái mới nhất, NamA Bank vừa được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn từ mức 3.000 tỷ đồng lên mức 3.700 - 4.000 tỷ đồng và song song với đó ngân hàng này cũng đưa ra kế hoạch niêm yết chậm nhất là tháng 6/2015.
“Hồ sơ niêm yết chúng tôi đã chuẩn bị gửi HOSE. Dù thị trường chưa thật thuận lợi, nhưng tôi tin rằng việc niêm yết với những quy định chặt chẽ về quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin sẽ giúp Ngân hàng hoạt động minh bạch hơn, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, mở ra cơ hội đầu tư, gia tăng cổ tức cho cổ đông”, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết.
Ngoài Nam A Bank, hai ngân hàng OCB và SCB cũng đang trong quá trình triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ sau khi được NHNN thông qua cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Cụ thể, SCB tăng thêm 2.000 tỷ đồng sau khi được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 14.294 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Còn SCB cho biết sẽ thực hiện tăng vốn bằng cách chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phần.
OCB được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng từ 3.234 tỷ đồng vào cuối năm 2014 theo phương án được ĐHCĐ thường niên 2014 của nhà băng này thông qua. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, OCB mới chính thức triển khai kế hoạch phát hành tăng vốn. Mặt khác, trong đợt đầu, OCB chỉ phát hành hơn 31,3 triệu cổ phần, tỷ lệ phát hành 10% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, dự kiến giao dịch cổ phiếu vào ngày 15/1 tới đây.
OCB cũng có kế hoạch niêm yết những năm trước, song đến nay chưa có động tĩnh và đang trong giai đoạn tái cấu trúc.
HDBank cũng có kế hoạch lên sàn HOSE cách đây vài năm. Tuy nhiên, đến nay, HDBank vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch này, do những năm qua TTCK sụt giảm HDBank muốn chờ thêm một thời gian khi chứng khoán hồi phục và tăng trở lại để niêm yết.
Hiện HDBank đã hoàn tất sáp nhập DaiA Bank và mua lại 100% SGVF và sáp nhập DaiA Bank và đang quá trình đàm phán bán tối đa 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, châu Âu… nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trước khi lên sàn.
Theo các chuyên gia thì NHNN đang có những động thái mạnh tay, mà mới đây nhất chính là Thông tư 36 và các tuyên bố về sáp nhập bắt buộc. Tăng vốn và niêm yết trên sàn là giải pháp mà NHNN đã yêu cầu công khai với các NHTM. Điều này có nghĩa các ngân hàng buộc phải chuyển động theo hướng đi tích cực hơn, thay vì những kế hoạch được ghi ra trên giấy.