Huy động vốn dự báo sẽ khó khăn hơn
Những tháng đầu năm 2018, hoạt động gọi vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán khá thành công với nhiều thương vụ lớn được thị trường đón nhận tích cực và doanh nghiệp bán được cổ phần với giá tốt.
Một trong những thương vụ tiêu biểu gần đây nhất là đợt chào bán cho cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam với giá 128.000 đồng/cổ phiếu và là giá tham chiếu dự kiến trong phiên đầu tiên niêm yết với mã TCB vào đầu tháng 6 tới. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ chào bán “có giá” nhất từ trước đến nay trong nhóm các ngân hàng niêm yết.
Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công của TCB, một trong số đó là tận dụng bối cảnh thuận lợi của thị trường chứng khoán khi đó, với sóng tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dẫn tới nhu cầu của nhà đầu tư ở mức cao.
Sau khi cổ phiếu VJC của VietJet được niêm yết tháng 2/2017, 2 tháng sau đó, Hội đồng quản trị VJC có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2/2016 với tỷ lệ 10%, đồng thời mỗi cổ đông sẽ được tặng 1 vé máy bay miễn phí. Điều này tạo hiệu ứng rất tốt, thậm chí có người không đầu tư nhưng cũng mở tài khoản để mua cổ phiếu VJC. Những chính sách như vậy không mang lại lợi ích lớn nhưng khiến cổ đông có cảm giác được tôn trọng, được đảm bảo về lợi ích, qua đó tăng tính gắn bó với doanh nghiệp.
Cùng với ngân hàng, chứng khoán và bất động sản là những lĩnh vực ghi nhận nhiều kế hoạch tăng vốn của các doanh nghiệp và kết quả hầu hết đều thành công. Tuy nhiên, với diễn biến điều chỉnh của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, hoạt động gọi vốn của doanh nghiệp thời điểm này sẽ gặp khó khăn.
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, các doanh nghiệp tăng vốn có mức tăng trưởng lợi nhuận phù hợp, tương ứng với quy mô tăng vốn sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể các nhà đầu tư ngắn hạn sẽ không mặn mà do lo ngại khối lượng cổ phần tăng lên sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Đặc biệt, thị trường có diễn biến điều chỉnh khiến nhà đầu tư quan ngại nguy cơ thua lỗ do giá nhiều khả năng suy giảm.
Yếu tố nhân hòa sẽ quyết định
Yếu tố “nhân hòa” được hiểu là sự cân đối lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, cổ đông và các bên liên quan. Việc cân đối lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông được đặt lên trên thì trong những đợt phát hành kế tiếp sẽ thuận lợi hơn. Nhưng làm thế nào để xác định được điểm cân bằng lợi ích? Đây là bài toán không dễ với doanh nghiệp và phụ thuộc câu chuyện của từng doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, cũng như cổ đông của doanh nghiệp có chấp nhận những chính sách mà doanh nghiệp đưa ra hay không.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp có kế hoạch gọi vốn cần cân nhắc việc hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của nhà đầu tư.
“Bởi vì đơn giản, khi doanh nghiệp cố gắng bán được cổ phiếu với giá tốt nhất có thể thì những người mua sẽ có ít dư địa để hưởng lợi. Cũng như một nồi cơm, khi người ăn đầu muốn ăn nhiều thì phần còn lại cho người khác sẽ ít đi. Tương tự, với việc phát hành cổ phiếu, nếu doanh nghiệp muốn phát hành giá cao thì cơ hội tăng giá cổ phiếu cho những nhà đầu tư sẽ như thế nào?”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho rằng, việc bán được giá cao tốt cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn cần phải cân nhắc. Theo thống kê sơ bộ những cổ phiếu niêm yết mới từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư mua trên sàn đều chịu lỗ, thậm chí mua thông qua đấu giá trước đó cũng lỗ, ví dụ TPB, BSR, POW…
Ngoài mức giá phát hành thì việc thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền sẽ khó hơn trong bối cảnh hiện nay. Do đó, doanh nghiệp có thể sẽ phải chấp nhận thực tế giá bán thấp hơn kỳ vọng để thu hút nhà đầu tư.
“Tác động của yếu tố thị trường là có, nhưng nếu bản thân doanh nghiệp duy trì được các yếu tố nội tại bao gồm hoạt động sản xuất - kinh doanh và công khai, minh bạch đến nhà đầu tư thì giá trị doanh nghiệp vẫn được đảm bảo và tác động của yếu tố bên ngoài chỉ là ngắn hạn. Với những nhà đầu tư dài hạn, đầu tư doanh nghiệp chứ không đầu tư cổ phiếu thì lại là cơ hội để tích lũy thêm cho danh mục”, chuyên gia MBKE nói.
Không chỉ đưa ra mức giá phát hành hợp lý, doanh nghiệp nên có chính sách ưu đãi đi kèm. Ông Khánh gợi ý, doanh nghiệp có thể phát hành quyền chọn mua, một chứng quyền mua cổ phiếu trong tương lai.
Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đầu tư vào những doanh nghiệp có kế hoạch gọi vốn, ngoài yếu tố pha loãng giá cổ phiếu thì cần lưu ý xem mức độ tăng trưởng có tương đồng với tốc độ tăng vốn và cổ tức của cổ đông có tăng theo dòng vốn mới. Bởi vì, có những trường hợp tăng vốn mạnh nhưng hiệu quả hoạt động lại không đi kèm. Nhà đầu tư có thể xem lịch sử huy động vốn của doanh nghiệp. Đương nhiên, “một người tốt trong quá khứ không có nghĩa sẽ tốt trong tương lai”, nhưng quá khứ có thể giúp nhà đầu tư đánh giá được uy tín, khiến nhà đầu tư có cơ sở để tin tưởng, đồng hành, gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp.
Mức độ huy động vốn cần sát với nhu cầu thực tế sử dụng
Ông Đinh Quang Hinh, Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Để công tác gọi vốn hiệu quả, thu hút nhà đầu tư tham gia, doanh nghiệp cần lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp: phát hành cổ phiếu mới tăng vốn hay phát hành trái phiếu chuyển đổi…
Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải xác định rõ mức độ huy động vốn sát với nhu cầu thực tế sử dụng, tránh huy động vốn ồ ạt dẫn tới pha loãng cổ phiếu quá nhiều làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Trong trường hợp huy động vốn hoàn thành, việc thông báo thường xuyên, kịp thời cho cổ đông về tình hình sử dụng nguồn vốn mới phát hành, sử dụng đúng mục đích đề ra cũng là căn cứ cho nhà đầu tư để tham gia.
Với nhà đầu tư, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào các doanh nghiệp đang có kế hoạch huy động vốn lớn. Nhà đầu tư cần xem lại lịch sử phát hành của doanh nghiệp xem tiền huy động có được sử dụng đúng mục đích hay không, bao lâu thì đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đánh giá chi tiết mục đích huy động vốn, kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới của doanh nghiệp xem đó có phải là nhu cầu thực và kế hoạch tăng trưởng có thực tế hay không; đánh giá chi tiết phương thức huy động vốn, cách xác định giá cả phát hành xem mức giá đó có hợp lý hay không; đánh thị trường giai đoạn đó có thuận lợi để doanh nghiệp phát hành thành công đợt huy động vốn mới không, tránh trường hợp thị trường đang lao dốc.
Sau khi doanh nghiệp tăng vốn thành công, cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên, kịp thời về tình hình sử dụng nguồn vốn mới phát hành.