Vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là câu chuyện nợ xấu, mà là tăng vốn.

Vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là câu chuyện nợ xấu, mà là tăng vốn.

Tăng vốn: Mối lo hiện hữu của các ngân hàng lớn

(ĐTCK) Các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, vẫn đang “chật vật” trong việc tăng vốn. Trước thực tế này, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đưa ra một lộ trình tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột của nền kinh tế...

Các "ông lớn" dồn dập phát hành trái phiếu

Agribank phát hành 4 triệu trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mỗi trái phiếu có giá trị 1 triệu đồng. Thời hạn Agribank nhận đăng ký mua từ 5/12 đến 24/12/2018 tại tất cả 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank trên toàn quốc, hoặc đại lý phát hành là Công ty Chứng khoán Agribank.

Nhà đầu tư sẽ được ưu tiên mua theo thứ tự về thời gian đăng ký cho đến khi toàn bộ số lượng trái phiếu được bán hết. Dự kiến ngày phát hành trái phiếu là ngày 25/12/2018.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Agribank cho biết: “Mục đích phát hành trái phiếu đợt này của Agribank nhằm tăng trưởng thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế nói chung theo kế hoạch kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện để khách hàng có thêm cơ hội đầu tư hấp dẫn”.

Trước đó, BIDV cũng thông qua phương án phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng nhằm huy động 4.000 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 7 năm tối đa 3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 10 năm tối đa 1.000 tỷ đồng.

Việc phát hành trái phiếu được thực hiện trong tháng 11-12 cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty con của tổ chức tín dụng.

Vietcombank vừa huy động thành công hơn 550 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu riêng lẻ với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu của Vietcombank được bán với kỳ hạn 6 năm, lãi suất 7,4%/năm. Tương tự, VietinBank đã phát hành thành công trái phiếu đợt 2 năm 2018, huy động 450 tỷ đồng với lãi suất cố định 6%/năm kỳ hạn 2 năm. 

Với Basel II, CAR là một trong những yếu tố cốt lõi

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nêu quan điểm, trong một thị trường tài chính hoàn hảo có 2 cấu phần: Thị trường tiền tệ - chuyên lo dòng vốn ngắn hạn và thị trường vốn - chuyên lo dòng vốn trung, dài hạn của nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì khác. Điều kiện phát triển kinh tế và điều kiện phát triển của thị trường tài chính trong thời gian qua phần lớn tập trung vào dòng vốn ngắn hạn của thị trường tiền tệ.

“Trong vài năm trở lại đây, thị trường vốn của Việt Nam đã có những chuyển động tích cực, điều đó được thể hiện qua giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán/GDP đã tăng tới 70%. Tuy nhiên, ở một thị trường tài chính hoàn hảo, các công cụ, các thiết chế cần phải được tiếp cận với các thông lệ quốc tế, có nghĩa là các công cụ thị trường phải đầy đủ hơn, các thị trường tài chính phải hoạt động hoàn hảo hơn”, ông Phước nói.

Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng năm 2019 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, thời điểm áp dụng Basel II đối với hệ thống tổ chức tín dụng trong nước sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Như vậy, năm 2019, các ngân hàng sẽ cần hoàn thiện hệ thống công nghệ để tính toán các chỉ số an toàn, cũng như chuẩn bị nguồn vốn để sẵn sàng cho thời điểm áp dụng Basel II.

Trong số những chỉ tiêu của Basel II, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một trong những yếu tố cốt lõi. Để đáp ứng và cải thiện CAR trong dài hạn, bắt buộc nhiều tổ chức tín dụng phải thực hiện các biện pháp để tăng vốn cấp 1 cần có.

Nguồn vốn này có thể được tăng cường nhờ gia tăng vốn chủ sở hữu bằng việc phát hành thêm cổ phiếu, hoặc từ lợi nhuận giữ lại. Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng hay cho đối tác sẽ đem lại dòng tiền mới cho thị trường, đồng thời tạo kỳ vọng tăng trưởng cho các cổ phiếu ngân hàng.

Thông tin Báo Đầu tư Chứng khoán được biết, một số tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ phát hành vốn cổ phần cho nước ngoài trong giai đoạn 2018-2019.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái này sẽ góp phần hỗ trợ cho nhóm các cổ phiếu ngân hàng nhờ 3 yếu tố: Thứ nhất, các ngân hàng sẽ nâng cao năng lực vốn tự có; thứ hai, các ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở nên minh bạch hơn khi có cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các ngân hàng mà chất lượng nợ vay khó xác định và còn nhiều tài sản mập mờ; thứ ba, dòng tiền thực, mới bổ sung vào thị trường với giá trị lớn. 

Cần lộ trình tăng vốn cho các ngân hàng lớn

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, nhiệm vụ nhóm 1 của Ngân hàng là nhanh chóng nâng cao năng lực tài chính, xây dựng và triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Cụ thể, thực hiện  nâng cao năng lực tài chính để đến năm 2020, mức vốn của VietinBank đảm bảo đáp ứng theo Basel II, phương pháp tiêu chuẩn và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo đúng quy định, song song với việc tăng vốn điều lệ là tăng vốn tự có theo quy định. VietinBank sẽ thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại vốn điều lệ, vốn tự có, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tổng tài sản có và tổng tài sản điều chỉnh theo các biện pháp rủi ro.

“Đồng thời, VietinBank cũng sẽ điều chỉnh và có các biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư vốn, sử dụng vốn tự có. Đây là giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng từ nay đến năm 2020”, ông Thọ nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là câu chuyện nợ xấu, mà là tăng vốn để đảm bảo các điều kiện của Basel II trước lộ trình 10 ngân hàng hoàn tất trong năm 2020 là yêu cầu quá lớn.

Theo ông Nghĩa, mỗi năm, cần tăng vốn cho khu vực ngân hàng khoảng 3-4 tỷ USD, nhưng mấy năm qua chỉ đạt được một nửa và tập trung ở những ngân hàng tốt, còn những ngân hàng đang có vấn đề càng không thể đạt được.

Nếu có một chính sách phù hợp, cho phép những ngân hàng tăng được vốn được tăng trưởng tín dụng, đây sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư bên ngoài, bởi đầu tư vào ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao thì lợi nhuận thu được sẽ cao hơn so với những ngân hàng khác.

“Hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng thương mại có tác dụng là hạn chế lợi tức, hạn chế đầu tư vào khu vực ngân hàng. Agribank, BIDV, VietinBank đang tương đối khó khăn trong việc tăng vốn, nên Chính phủ cần đưa ra một lộ trình tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột của nền kinh tế, của chính sách công nghiệp hóa nói chung”, TS. Nghĩa nói.

Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, CAR bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện trong năm 2018, đạt 11,1% nhờ vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8% (năm 2017 là 7,8%).

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm cho thấy, hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo. Đặc biệt, CAR của 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã gần chạm ngưỡng 9%, nếu áp dụng Basel II thì giảm xuống dưới 8%.

Tin bài liên quan