“Ngân hàng có vốn mạnh mới có khả năng trụ vững”
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Mở TP. HCM
Để tồn tại và vượt qua được những sóng gió của thị trường, các ngân hàng phải có vốn lớn. Hơn nữa, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tinh gọn hệ thống ngân hàng thương mại nhằm lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động. Vì vậy, những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh mới có khả năng trụ vững. Nhưng để hệ số an toàn vốn (CAR) tăng 1% thì vốn điều lệ của ngân hàng phải tăng thêm 8 - 10%. Đây là áp lực đối với cả ngân hàng quy mô lớn và các nhà băng nhỏ.
Áp dụng Basel dù ở cấp độ I, cấp độ II, hay cấp độ III thì đều xung quanh vấn đề an toàn vốn. Mặt khác, với ngân hàng thương mại, đòi hỏi có lượng vốn phù hợp để kinh doanh là tất yếu. Đây cũng là vấn đề quan trọng của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, tăng được vốn trong bối cảnh hiện nay là vấn đề nan giải. Nguồn cung cổ phiếu ngân hàng đang tăng khi lộ trình thoái vốn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN được các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện. Hoạt động thoái vốn ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước cũng đang từng bước được đẩy mạnh. Trong khi đó, lực cầu về cổ phiếu ngành này có dấu hiệu giảm.
“Tăng vốn là điều kiện thiết yếu với các ngân hàng”
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng
Ngân hàng có vốn tự có dồi dào dễ mở rộng kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động, trong khi những ngân hàng vốn ít sẽ gặp nhiều rủi ro. Đáng chú ý, dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có đưa ra mục tiêu đẩy mạnh tái cấu ngành ngân hàng như: giảm số lượng ngân yếu kém, đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020, thì việc tăng vốn là điều kiện thiết yếu với các ngân hàng.
Dự thảo Đề án cũng đưa ra định hướng chính sách đến năm 2020 phát triển Ngân hàng Nhà nước trở thành Ngân hàng Trung ương, theo tôi là hoàn toàn cần thiết. Đối trọng của chính sách tiền tệ là chính sách tài khóa do Bộ Tài chính chủ trì. Hai chính sách này phải là đối trọng của nhau. Vì thế, chính sách tiền tệ phải độc lập với chính sách tài khoá. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước đang chịu sự quản lý và trực thuộc Chính phủ nên cần phải tách ra khỏi Chính phủ và phải chịu trách nhiệm điều trần trước Quốc hội. Quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng cần có sự độc lập này.
“Không thể trì hoãn việc triển khai Basel II”
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Tuân thủ các quy định của Basel II sẽ giúp các ngân hàng thương mại biết được độ lệch trong hệ thống quản trị của mình so với chuẩn mực quốc tế. Nếu ngân hàng trì hoãn triển khai áp dụng Basel II, thì sự
tụt hậu so với thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh của ngân hàng trong bức tranh chung về an toàn trong hoạt động của ngành.
Tái cơ cấu ngành ngân hàng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng chúng ta cần phải đẩy mạnh công cuộc làm “sạch” bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Hiện các khoản nợ xấu chuyển về Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang được nỗ lực xử lý, song nếu không hình thành được thị trường mua bán nợ thì sẽ rất khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Tiềm lực và năng lực của VAMC có hạn, các khoản dự phòng của ngân hàng sẽ gia tăng vì khó xử nhanh nợ xấu.
Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC có thêm lựa chọn và lợi ích mới trong xử lý nợ xấu, cụ thể hóa những thay đổi trong Nghị định số 34/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, vướng mắc trong phát mại tài sản vẫn là điểm mấu chốt làm chậm tiến độ xử lý nợ xấu.