Tăng vốn gấp đôi, CIENCO4 (C4G) sẵn sàng nhập cuộc dự án giao thông lớn

Tăng vốn gấp đôi, CIENCO4 (C4G) sẵn sàng nhập cuộc dự án giao thông lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CIENCO4 đã phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.100 tỷ đồng, đảm bảo nguồn lực tiếp tục tham gia thi công các dự án cao tốc trọng điểm.

Hiện diện trên hàng loạt công trình

Đầu tháng 3/2022, công trường gói thầu XL-2 đoạn từ Km16+400 - Km27 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 (Tập đoàn CIENCO4 - mã chứng khoán C4G: UPCoM) càng thêm hối hả khi thời gian cán đích chỉ còn khoảng 6 tháng.

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc điều hành nhà thầu CIENCO4, tranh thủ thời tiết thuận lợi, công trường đang huy động tổng lực với hơn 300 kỹ sư, công nhân và 128 đầu máy, thiết bị tổ chức 10 mũi thi công. Sản lượng thi công đến nay đạt gần 38% giá trị hợp đồng.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng sau chuyến kiểm tra các dự án giao thông dịp đầu năm, CIENCO4 đã xây dựng lại tiến độ, quyết tâm đưa khối lượng công việc phụ trách tại gói thầu 2-XL hoàn thành vào ngày 30/9/2022, rút ngắn 3 tháng so với hợp đồng (tháng 12/2022).

Nhằm đạt được mục tiêu, nhà thầu sẽ huy động bổ sung thêm thiết bị tăng công địa bàn giao đất K98; Huy động một dây chuyền cấp phối đá dăm và CTB; Tăng ca các mũi thi công cầu và đường; Bổ sung các mũi thi công cầu để đẩy nhanh tiến độ thi công kết cấu phần dưới.

Đặc biệt, CIENCO4 sẽ duy trì dòng tài chính đảm bảo vật tư thi công liên tục”, ông Sơn chia sẻ.

Không chỉ là nhà thầu được “chọn mặt gửi vàng” thi công gói thầu số 2-XL đoạn Phan Thiết - Dầu Giây giá trị hơn 1.910 tỷ đồng mà với trách nhiệm đang thể hiện, CIENCO4 còn là cái tên góp mặt tại hàng loạt gói thầu của siêu dự án cao tốc Bắc - Nam như: Gói thầu XL-04 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu giá trị hơn 1.100 tỷ đồng; Gói thầu XL9 đoạn Cam Lộ - La Sơn trị giá hơn 400 tỷ đồng.

Bằng năng lực tài chính sẵn có, CIENCO4 cũng là một trong 5 nhà đầu tư trong liên danh được lựa chọn tham gia dự án PPP Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng vốn đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp nhà đầu tư là hơn 5.000 tỷ đồng.

Đáng nói, ngay sau khi hợp đồng BOT dự án được ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư được ký kết, CIENCO4 cùng các nhà đầu tư đã lập tức góp vốn chủ sở hữu theo đúng tỷ lệ cam kết.

Nhờ đó, trong suốt khoảng thời gian chờ nguồn vốn tín dụng được khơi thông, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn có nguồn lực để triển khai thi công hạng mục hầm, nền đường cùng nhiều công trình kỹ thuật trên tuyến.

“Cao tốc Bắc - Nam là một dự án trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông, kinh tế của cả đất nước, được Chính phủ xác định phải ưu tiên cao nhất, tập trung đầu tư để sớm hoàn thành.

Chính vì thế, các đơn vị trúng thầu phải là các đơn vị đầu ngành có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm lâu năm, đáp ứng chặt chẽ mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng.

Việc CIENCO4 vừa tham gia thi công xây lắp, vừa “sắm vai” nhà đầu tư chung vốn cùng nhà nước làm cao tốc cho thấy vị thế vững chắc của một đơn vị đã phát triển cả nửa thế kỷ từ thời chiến cho tới thời bình”, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông chia sẻ.

Thực tế, nhận định của vị chuyên gia là có cơ sở bởi trước khi hiện diện trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam, thương hiệu của CIENCO4 đã được khẳng định tại hàng loạt dự án lớn như: dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An); dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP. Hà Tĩnh; dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Dự án cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á - Tân Vũ Lạch Huyện; gói thầu số 01 và 03 dự án đường Vành đai III TP Hà Nội,…

Năng lực và kinh nghiệm thi công dày dặn cũng đang đưa CIENCO4 góp mặt tại nhiều công trình trọng điểm như: gói thầu CP1A dự án metro Bến Thành - Suối Tiên; gói thầu J3 thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; Cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai.

Tăng sức mạnh tài chính, dồn lực cho cao tốc trọng điểm

Bước sang năm 2022, áp lực đối với nhà đầu tư/nhà thầu giao thông không ngừng tăng bởi đầy rẫy thách thức: nhân công hao hụt trong đại dịch, giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng không ngừng tăng, chi phí dự toán “đội” gấp nhiều lần so với lúc bỏ thầu. Không ít nhà thầu rơi vào cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

Thế nhưng, thay vì chuyển hướng đầu tư mới, xây lắp và đầu tư hạ tầng giao thông vẫn được CIENCO4 lựa chọn là trụ cột phát triển với tham vọng giữ vị trí đầu bảng về cung cấp dịch vụ khép kín với 4 hoạt động: Đầu tư, thi công xây lắp, quản lý vận hành, khai thác công trình giao thông đường bộ và đầu tư phát triển bất động sản, dịch vụ gắn liền với đường cao tốc.

“Phát súng” đầu tiên để cụ thể hóa chiến lược này là việc CIENCO4 phát hành thành công hơn 112 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ gấp đôi, thêm hơn 1.100 tỷ đồng, lên gần 2.250 tỷ đồng ngay trong tháng đầu tiên năm 2022.

“Việc tăng vốn không chỉ giúp CIENCO4 tăng tiềm lực tài chính, đón đầu cơ hội trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 mà đây còn được xác định là nguồn vốn lưu động có sẵn để CIENCO4 sẵn sàng nhập cuộc vào các dự án giao thông trọng điểm.

Với những cơ hội đã nắm bắt, năm 2022, Công ty mẹ CIENCO4 đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng với lợi nhuận 300 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,5 lần và 3 lần so với năm 2021.

Đây cũng là sự chuẩn bị đặc biệt để CIENCO4 có thể dấn thân vào 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sắp triển khai”, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc CIENCO4 chia sẻ.

Theo ông Huỳnh, tiêu chí chỉ định nhà thầu thi công các dự án thành phần hiện chưa được xây dựng cụ thể, song, đợt tăng vốn vừa qua thể hiện sự sẵn sàng tham gia và quyết tâm đảm bảo tiến độ dự án khi được lựa chọn.

“Thành công của một dự án bên cạnh chất lượng nhân lực, năng lực tổ chức thi công, dòng tiền huy động vật tư, thiết bị cũng đóng vai trò mấu chốt. Với hàng loạt các dự án đã triển khai có hiệu quả và tiềm lực tài chính, CIENCO4 tự tin sẽ vượt qua những khó khăn đang bủa vây các dự án giao thông, quyết tâm đưa các dự án cao tốc trọng điểm cán đích đúng tiến độ nếu được Chính phủ, Bộ GTVT tin tưởng lựa chọn”, ông Huỳnh khẳng định.

Cần phải nói rằng, nguồn lực tài chính của CIENCO4 không chỉ dựa vào việc tăng vốn mà các dự án BOT doanh nghiệp này “rót vốn” xây dựng trước đó cũng đã và đang được khai thác hiệu quả, giúp CIENCO4 thu hồi cả vốn lẫn lãi, có thêm nguồn lực tái đầu tư.

Trong đó, dự án cầu Yên Lệnh năm 2005 và giai đoạn 2 xây dựng QL 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến Nút giao Vực Vòng năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 563 tỷ đồng dự kiến mang lại tổng lợi nhuận hơn 185 tỷ đồng cho cả vòng đời dự án.

Dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cầu Giát (Nghệ An), với tổng mức đầu tư trên 3.338 tỷ đồng đang đưa lại lợi nhuận hàng năm cho CIENCO4 hơn 70 tỷ đồng và tổng lợi nhuận đến cuối dự án năm 2037 là hơn 3.215 tỷ đồng.

Cụm Dự án BOT tuyến tránh thành phố Vinh tỉnh Nghệ An và Dự án QL1A từ Nam Bến Thủy - Tuyến tránh TP Hà Tĩnh dự kiến mang lại lợi nhuận hơn 1.100 tỷ đồng đến năm 2035 với thời gian khai thác 22 năm 9 tháng.

Ngoài ra, dự án đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới nếu được mua lại theo phương án Bộ GTVT đang đề xuất với Chính phủ, dự kiến dòng tiền vốn lưu động của CIENCO4 sẽ tăng lên rất đáng kể.

“Việc chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu thi công dự án được Đảng, Nhà nước và nhân dân mong mỏi, kỳ vọng như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông rất quan trọng. Điều kiện đưa ra tuyển chọn đòi hỏi phải chi tiết cụ thể, trong đó, một số chỉ tiêu phải chú trọng, gồm: năng lực tài chính, công nghệ thiết bị thi công và các dự án nhà thầu ứng tuyển đã thực thi.

Đặc biệt về năng lực tài chính, nếu không đảm bảo yếu tố này, nhà thầu sẽ không thể triển khai thi công, đảm bảo tiến độ dự án. Để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cần xét sâu đến nội lực xem tài sản sở hữu thế nào, năng lực có thể vay tài chính đến đâu.

Trong quá trình xét chọn, bên cạnh những nhà thầu có sẵn nội lực, nhà thầu đi vay tài chính để tham gia dự án cũng phải được yêu cầu chứng minh tài sản, đảm bảo vấn đề vay vốn thực hiện dự án là khả thi.

Thời điểm hiện tại, việc phát hành bổ sung cổ phiếu một số doanh nghiệp đang thực hiện cũng là một giải pháp quan trọng để nguồn lực tài chính được tốt hơn”, Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh.

Tin bài liên quan