Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng, có cần phải dùng ngân sách?

Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng, có cần phải dùng ngân sách?

(ĐTCK) Theo tính toán của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), việc tăng vốn cho các ngân hàng có vốn nhà nước có thể làm giảm 1 - 1,5% GDP, nhưng nếu không tăng vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi chuẩn Basel II được áp dụng vào năm 2020.

Rủi ro khi các ngân hàng không nâng đủ vốn

Nhận định chung về hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam trong năm 2019, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, tỷ lệ an toàn vốn trung bình trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1.

Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những ngân hàng quốc doanh (Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), vốn nắm khoảng 50% tổng dư nợ của nền kinh tế, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020 (thời điểm tháng 5/2018, CAR trung bình của các ngân hàng quốc doanh là 9,4%).

Một lãnh đạo cao cấp thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/12/2018, tỷ lệ an toàn vốn của 4 ngân hàng có vốn nhà nước như sau: Vietcombank 9,85%, VietinBank 9,65%, BIDV 9,02%, Agribank 9,54%.

VietinBank đã không tăng vốn điều lệ suốt 3 năm qua, các chỉ tiêu tăng trưởng tại ngân hàng này được khai thác đến gần mức giới hạn, nhất là về tín dụng. Được biết, tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank ở mức tối thiểu từ tháng 9/2018 tới cuối năm 2018. Do đó, không khó hiểu khi năm 2018, VietinBank báo lãi hơn 6.800 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước.

Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng, có cần phải dùng ngân sách? ảnh 1

Trong khi tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank giảm tới sát mức tối thiểu, các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được VietinBank khai thác tối đa và tới hạn theo các quy định của pháp luật.

“Vấn đề lớn nhất với các ngân hàng lành mạnh trong 2 năm tới là làm sao tăng vốn tự có để đáp ứng yêu cầu của Nhà nước”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực lớn trong việc đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ CAR theo chuẩn Basel II, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ.

Theo ông Hải, vốn hóa các ngân hàng quốc doanh là một ưu tiên và có thể trở thành một rủi ro hiện hữu khi tiến gần tới mốc năm 2020. Nếu các ngân hàng không thể nâng đủ vốn vào thời điểm đó, Chính phủ có thể phải bơm vốn cho các ngân hàng. Theo tính toán của IMF, việc gia tăng vốn này có thể làm giảm 1 - 1,5% GDP.

Cần mở cửa thị trường tài chính

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho rằng, để tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh mà không dùng nguồn tiền của Nhà nước, Chính phủ cần mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Hiện tại, Chính phủ vẫn khống chế mức trần 65%, tức tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh không dưới 65%, nên các ngân hàng này vẫn phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Để mời gọi đầu tư vốn nước ngoài, trong khi Nhà nước vẫn nắm quyền quyết định, cần hạ rào cản trên xuống 51%.

“Thực tế, các ngân hàng có vốn nhà nước còn thực hiện các chính sách của Chính phủ nên quyền quyết định trong ngân hàng vẫn phải thuộc về Nhà nước. Bên cạnh đó, những ngân hàng này mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia. Do đó, tại thời điểm này, Chính phủ chưa sẵn sàng hy sinh quyền quyết định và nguồn thu nhập. Nhưng nên xem xét thoái vốn khỏi những ngân hàng này trong tương lai”, TS. Hiếu nói.

Thiếu vốn là một rủi ro gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng vẫn chủ yếu do tín dụng dẫn dắt. Thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh.

- Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nêu quan điểm, điều quan trọng để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn là các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn. Tuy nhiên, việc tăng vốn phải tránh được bài học trước đây là vẫn có những ngoại lệ được “khất”, “hoãn”, hoặc tăng vốn nhưng không phải bằng tiền thật, mà bằng hình thức sở hữu chéo, đầu tư chéo.

Cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của Vietcombank thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) và cổ đông chiến lược Mizuho. Trong đó, GIC dự kiến nắm 2,55% cổ phần tính theo vốn điều lệ sau giao dịch, còn Mizuho sẽ mua số cổ phần còn lại để cân bằng và giữ tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận việc chào bán riêng lẻ của Vietcombank với lô cổ phần đầu tiên cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Không may mắn như Vietcombank, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank của BIDV chưa hoàn tất trong năm 2018 và kể cả trong trường hợp hoàn thành, ngân hàng này vẫn cần có thêm các đợt phát hành riêng lẻ để tiếp tục gọi vốn.

Đối với VietinBank, cổ đông chiến lược MUFG đang đợi Chính phủ tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính quốc tế đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. MUFG sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.

“Thiếu vốn là một rủi ro gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng vẫn chủ yếu do tín dụng dẫn dắt. Thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách, như cải thiện chất lượng và sự minh bạch của sổ sách cũng như những biện pháp đảm bảo vĩ mô để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản thế chấp”, ông Phạm Hồng Hải nói.

Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, Việt Nam đã có chương trình thí điểm cho 10 ngân hàng thương mại cuối năm 2020 đáp ứng chuẩn Basel II. Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được cổ phiếu của những ngân hàng có vốn nhà nước.

Cải cách trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu đang tồn đọng, tăng cường hiệu quả, hiệu suất của ngân hàng thương mại, đồng thời nâng cao tỷ lệ an toàn mà các ngân hàng phải tuân thủ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tăng cường thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại.

“Nói chung, ngành ngân hàng Việt Nam đang cải thiện theo thời gian, nhưng do ngân hàng là mảng quan trọng trong tài chính của Việt Nam nên vẫn chú ý tới lĩnh vực này. Ngân hàng có thể thu hút nhiều sự quan tâm, tham gia hơn nữa của các nhà đầu tư tư nhân. Câu hỏi không chỉ là sở hữu các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mà còn là cách thức điều hành, hoạt động của các ngân hàng đó với sự tham gia của các chủ sở hữu có theo được các nguyên tắc của Basel II hay không, theo được các yêu cầu cải cách của cơ quan quản lý hay không?”, ông Eric Sidgwick nói.

Tin bài liên quan