Tăng vốn để mua lại cổ phần của Năng lượng Trường Thành, TEG bước vào cuộc chơi lớn

Tăng vốn để mua lại cổ phần của Năng lượng Trường Thành, TEG bước vào cuộc chơi lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (mã chứng khoán TEG) vừa nhận giấy phép chào bán cổ phiếu ra công chúng của UBCKNN để tăng vốn thêm hơn 316 tỷ đồng. Số tiền huy động được sẽ dùng để mua thêm cổ phần tại Năng lượng Trường Thành nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 90% cổ phần.

Theo cấp phép của UBCKNN, TEG sẽ chào bán 21,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:2, cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu nhận quyền mua thêm 2 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; chào bán 10 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá công khai, giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, TEG sẽ trả cổ tức tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 5 cổ phiếu mới, nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phát hành thêm hơn 1,6 triệu cổ phiếu.

Số tiền thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán công khai ước tính hơn 316 tỷ đồng sẽ dùng đầu tư và gia tăng sở hữu cổ phần tại CTCP Năng lượng Trường Thành (TTP). Tính tới 31/12/2020, TEG đang sở hữu 26,28% vốn điều lệ (trực tiếp và gián tiếp) tại TTP.

TEG dự kiến mua lại 28,7 triệu cổ phiếu từ cổ đông hiện tại của TTP với giá mua tối đa 11.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng giá trị cổ phiếu TTP dự kiến mua lại là khoảng 315,89 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của TEG tại TTP là trên 90% cổ phần.

Giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2020 của TTP theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 là 10.581 đồng/cổ phiếu, còn theo Báo cáo thẩm định giá cổ phiếu của Công ty chứng khoán chuyên nghiệp, cổ phiếu TTP có giá 16.081 đồng/cổ phần. Bởi vậy, giá mua tối đa 11.000 đồng/cổ phiếu mà TEG đã đàm phán với các cổ đông hiện hữu của TTP được nhận định là có lợi cho các cổ đông của TEG.

Xét về tiềm lực và triển vọng phát triển của TTP, việc đầu tư và nâng sở hữu tại TTP sẽ là bước đi chiến lược và tích cực đối với sự phát triển của TEG.

Từ khi thành lập, TTP luôn đặt mục tiêu trở thành một nhà đầu tư uy tín trên thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, hướng tới nắm giữ cổ phần chi phối tại một số dự án điện mặt trời đang phát triển, giúp đem lại nguồn doanh thu ổn định từ việc sản xuất và kinh doanh điện.

Hiện tại, TTP đang là cổ đông lớn tại 2 dự án trang trại điện mặt trời quy mô hơn 300 MWp tại Việt Nam, đó là Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên và Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên ở Quãng Ngãi.

Hai dự án đã phát điện thành công trong tháng 5, 6 năm 2019, đóng góp trung bình hơn 500 triệu kWh mỗi năm cho hệ thống điện Việt Nam. Đồng thời, hai dự án này đều được ký kết Hợp đồng mua bán điện với mức giá FIT cố định 9,35 UScents/kWh trong 20 năm kể từ ngày phát điện thương mại, đảm bảo hiệu quả đầu tư luôn ổn định và ở mức cao.

Với tiềm năng và năng lực hiện tại, dự kiến giai đoạn 2021 - 2023, doanh thu và lợi nhuận của TTP khá tích cực (xem bảng). Chính vì vậy, khi được hợp nhất với công ty mẹ, TEG sẽ có lợi nhuận tăng ấn tượng.

Chỉ tiêu

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Doanh thu (tỷ đồng)

44,7

156

273

Lợi nhuận (tỷ đồng)

33,8

81,18

161,54

Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu

75,71%

51,74%

59,05%

Trong chiến lược phát triển của mình, TTP có kế hoạch đầu tư nhiều nhà máy điện tái tạo như Nhà máy điện mặt trời Kỳ Sơn tại Hà Tĩnh (quy mô 250MWp), Nhà máy điện mặt trời Quảng Phú tại Đăk Nông (quy mô 50MWp), Nhà máy điện mặt trời Chánh Thuận tại Bình Định (quy mô 50MWp), Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp 2 ở Bình Định (quy mô 50 MWp), Nhà máy điện mặt trời Trường Thành Ninh Tân ở Khánh Hòa (quy mô 24,96 MWp); Nhà máy điện gió Phù Mỹ ở Bình Định (quy mô 125MW), Nhà máy điện gió Đông Hải 3 ở Trà Vinh (quy mô 120 MW), nhà máy điện gió Tân Ân ở Cà Mau (quy mô 100 MW). Các dự án này đều đã hoàn tất các thủ tục thẩm định theo yêu cầu và đang chờ Quy hoạch điện VIII được thông qua để triển khai các thủ tục đầu tư.

Bên cạnh mảng năng lượng tái tạo, TEG cũng có kế hoạch phát triển mạnh mẽ mảng bất động sản với nhiều dự án tiềm năng trên 3 phân khúc Bất động sản công nghiệp, bất động sản dân cư và bất động sản nghỉ dưỡng, với quỹ đất hiện hữu hơn 100 ha.

Cụ thể, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cát Hiệp, thuộc thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát dự kiến triển khai xây dựng trong quý I/2022 trên diện tích khoảng 50 ha. Dự án Khu nhà ở nông thôn kết hợp thương mại dịch vụ Nghĩa An tại xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô 7,56 ha. Hiện TEG đang triển khai giai đoạn 2 của dự án với quy mô 7,16 ha, giai đoạn 3 theo kế hoạch sẽ được thực hiện vào quý III/2023, với quy mô 13,2 ha.

TEG còn tham gia góp vốn vào Công ty Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long, là chủ đầu tư của dự án Xuân An Green Park với quy mô 119 ha, trong đó giai đoạn 1 của dự án đã hoàn tất với diện tích 27,3 ha.

Một dự án tiềm năng khác mà TEG đang tham gia đầu tư là dự án Khu nhà ở Trường Thành tại thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với quy mô 8,5 ha.

Đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, TEG đã liên danh cùng Công ty Đông Dương Thăng Long để tham gia đấu thầu dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát với quy mô 17,756 ha, ngoài ra còn có dự án Khu du lịch biển Casa Marina Island tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) dự kiến sẽ được khởi công vào quý IV năm nay.

Với danh mục các dự án có nhiều tiềm năng như trên, triển vọng phát triển của TEG được đánh giá là rất tích cực, đem đến những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội sinh lời bền vững trên TTCK hiện nay.

Tin bài liên quan