Tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng quy mô hoạt động và bảo đảm các chỉ số về an toàn vốn, thanh khoản

Tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng quy mô hoạt động và bảo đảm các chỉ số về an toàn vốn, thanh khoản

Tăng vốn, chiến thuật “ve vuốt” cổ đông của ông chủ ngân hàng

(ĐTCK) Hết lần này đến lần khác tăng vốn bất thành, nhưng nhiều ngân hàng nhỏ vẫn “bền bỉ” năm này qua năm khác trình cổ đông kế hoạch tăng vốn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đã có những kiến giải sâu sắc về câu chuyện này trong ngành ngân hàng.

Nhìn lại năm 2015, có khá nhiều ngân hàng không hoàn thành được kế hoạch tăng vốn điều lệ hoặc chật vật hoàn thành trong những ngày năm cùng tháng tận. Ông có bình luận gì về thực tế này?

Không chỉ trong năm 2015, mà cả năm nay cũng không phải là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng triển khai kế hoạch huy động vốn điều lệ. Trừ một số ít, còn lại hầu hết các mã cổ phiếu ngành ngân hàng được giao dịch dưới mệnh giá từ nhiều năm nay.

10 năm trước, các ngân hàng ăn nên làm ra, chia cổ tức rộng tay, nên các nhà đầu tư rất ưa thích đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, vốn thường được người ta gọi là cổ phiếu vua… Nhưng thực tế, ngân hàng không phải là ngành mang lại lợi nhuận cao so với nhiều ngành nghề kinh doanh khác và nhất là không phải là kênh đầu tư kiểu ăn xổi.

Tăng vốn, chiến thuật “ve vuốt” cổ đông của ông chủ ngân hàng ảnh 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu 


 

"Các ông chủ ngân hàng nhỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng vốn, vì áp lực từ phía Ngân hàng Nhà nước và thị trường".

Những người bỏ vốn đầu tư vào ngân hàng phải nghĩ đến việc thu hồi lại đồng vốn bỏ ra ít nhất sau 10 năm. Tại thời điểm này, khó có chuyện đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng mà sau 1 năm thị giá cổ phiếu tăng 5 - 10% và được chia cổ tức trên 10%, nên kém sức hút với nhà đầu tư. Cổ phiếu ngân hàng đang bị cổ phiếu các ngành khác cạnh tranh, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản khi thị trường bất động sản phục hồi. Bên cạnh đó, còn có những kênh đầu tư khác thu hút vốn của nhà đầu tư trong nước như vàng, chứng khoán, ngoại tệ và tiền gửi tiết kiệm… Do vậy, thu hút vốn từ nhà đầu tư nội vào ngành ngân hàng lúc này là rất khó.

Còn các nhà đầu tư nước ngoài thì sao, theo ông?

Nhà đầu tư nước ngoài từng rất ham thích cổ phiếu ngân hàng, nhưng đó là câu chuyện cách đây 10 năm. Còn hiện tại, họ không mặn mà như trước, thậm chí tại nhiều ngân hàng, cổ đông nước ngoài đã thoái vốn tại NHTM trong nước.

Thời gian qua, có một vài ngân hàng Nhật đã đầu tư vào ngân hàng trong nước, bởi họ nhìn thấy có thể giúp khách hàng truyền thống là doanh nghiệp Nhật khi vào Việt Nam đầu tư, chứ không phải chỉ vì lợi nhuận hấp dẫn của các ngân hàng này.

Thị trường tài chính cách đây vài năm đã chứng kiến tình huống của một tổ chức tài chính nước ngoài mua trái phiếu chuyển đổi của một ngân hàng TMCP, rồi sau đó chuyển đổi sang cổ phiếu. Tổ chức tài chính nước ngoài đó đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, bởi nay cổ phiếu đã giảm xuống sâu so với giá chuyển đổi, nếu bán cổ phiếu để rút vốn sẽ phải chịu lỗ nặng, nên đành ngậm ngùi chấp nhận tiếp tục làm cổ đông của ngân hàng.

Tại ĐHCĐ thường niên năm nay, nhiều ngân hàng lại tiếp tục đưa ra kế hoạch tăng vốn. Theo ông, kế hoạch tăng vốn trong năm nay có khả thi hơn so với các năm trước?

Các ông chủ ngân hàng nhỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng vốn, vì áp lực từ phía Ngân hàng Nhà nước và thị trường. Trong tương lai, chỉ có những ngân hàng có vốn lớn, quy mô lớn và kinh doanh có lãi mới trụ lại được. Việc duy trì khoảng 15 - 20 ngân hàng là điều Ngân hàng Nhà nước tính đến trong tương lai, và để lọt vào trong nhóm này, các ngân hàng nhỏ chỉ có một giải pháp là tăng vốn.

Vốn là xương sống trong hoạt động của ngân hàng. Muốn tồn tại, tránh được nguy cơ sáp nhập với một ngân hàng khác, ngân hàng nhỏ buộc phải tăng vốn điều lệ. Từ tăng vốn, sẽ có khả năng tăng quy mô hoạt động và bảo đảm các chỉ số về an toàn vốn, thanh khoản và tạo ra một gối đệm cho những rủi ro hoạt động của ngân hàng.

Đặc biệt, tăng vốn trong hệ thống ngân hàng điều rất quan trọng, bởi đây là ngành kinh doanh có tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất lớn, khoảng 10 : 1, có nghĩa là 10 đồng vốn vay từ dân chúng và nền kinh tế được bảo đảm bằng 1 đồng vốn tự có của ngân hàng. Nếu nợ xấu của ngân hàng tiêu hủy 1 đồng vốn tự có, thì ngân hàng đó sẽ rơi ngay vào tình trạng phá sản. Dưới tất cả những áp lực trên, Ban điều hành, HĐQT tại những ngân hàng có vốn tự có khiêm tốn thường lên phương án để huy động vốn điều lệ, nhưng chính họ cũng thừa biết rằng, việc lên phương án là tất yếu, nhưng có thực hiện được hay không lại là chuyện khác.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn trong những năm qua nhưng không thực hiện được. Dưới áp lực thị trường, đây cũng có thể coi là một chiến thuật nhằm “ve vuốt” các cổ đông của mình, vì các ông chủ muốn đưa ra một thông điệp là ngân hàng mình thuộc loại “ngon” và nay sẵn sàng để tăng vốn.

Vậy, các cổ đông cần chú ý đến vấn đề gì trong kế hoạch tăng vốn của ngân hàng mình?

Các cổ đông nên thận trọng khi được HĐQT ngân hàng trình lên một kế hoạch tăng vốn. Một kế hoạch tăng vốn phải có tính cách thuyết phục và mang tính khả thi. Ban điều hành và HĐQT phải đưa ra những phương án cụ thể, bao gồm số cổ phiếu sẽ được phát hành và giá chào bán dự kiến, công ty chứng khoán nào sẽ hỗ trợ việc phát hành cổ phiếu, khả năng của các cổ đông hiện hữu mua cổ phiếu mới, ngoài ra có nhà đầu tư tiềm năng nào có khả năng hấp thụ số cổ phiếu sẽ phát hành, cùng với đó là tỷ lệ pha loãng cổ phiếu dự kiến, nểu cổ phiếu được bán cho nhà đầu tư mới, và cuối cùng một lộ trình cụ thể để triển khai kế hoạch tăng vốn.

Một điều mọi cổ đông nên quan tâm là một kế hoạch tăng vốn thường làm cho cổ đông phấn khởi, nhưng phải tránh trường hợp “gậy ông đập lưng ông”, nếu cuối cùng kế hoạch không thực hiện được. Một ngân hàng không thể thực hiện kế hoạch tăng vốn như dự kiến thường bị thị trường “trừ điểm” và xem là ngân hàng này có vấn đề, có thể làm giảm uy tín và độ tin cậy của ban lãnh đạo ngân hàng đó.

Một điểm nữa tôi cũng muốn chia sẻ ở đây là không phải ai cũng thích việc tăng vốn. Một vài ông chủ ngân hàng e ngại việc tăng vốn từ những cổ đông mới sẽ pha loãng tỷ lệ cổ phần của họ, làm suy giảm quyền lực và quyền lợi của họ. Tại những ngân hàng này, các cổ đông lớn thường không mặn mà lắm với kế hoạch tăng vốn, nhưng vạn bất đắc dĩ họ phải tăng vốn vì không có con đường nào khác để duy trì và phát triển ngân hàng của họ, hoặc là vì áp lực của thị trường hay áp lực từ NHNN để tái cơ cấu ngân hàng. Nói chung, tăng vốn về cơ bản là điều cực chẳng đã đối với các ông chủ đang nắm trọn quyền trong ngân hàng mình.

Vậy, làm thế nào để ngân hàng tăng vốn thành công?

Như trên đã nói, tăng vốn điểu lệ là việc làm cần thiết để một tổ chức tín dụng duy trì và phát triển. Với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, tôi đồng thuận với NHNN trong vấn đề hệ thống chỉ cần khoảng 15 - 20 ngân hàng với vốn phải lớn.

Một ngân hàng hàng đầu Việt Nam phải đạt 5 tỷ USD vốn tự có để có tổng tài sản khoảng 50 tỷ USD, như vậy mới có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác trong khu vực. Hiện tại, chưa có ngân hàng nào tại Việt Nam đạt được mức vốn tự có này. Do đó, tăng vốn  cho các ngân hàng Việt là câu chuyện tất yếu.

Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn chỉ có thể thành công với điều kiện ngành ngân hàng Việt Nam được thu gọn lại cũng như hoạt động của các ngân hàng Việt Nam được cải tổ một cách toàn diện từ cách vận hành của HĐQT đến cung cách quản lý của ban điều hành theo đúng chuẩn mực thông lệ quốc tế, đến quản trị rủi ro, báo cáo tài chính minh bạch, chính xác để tạo niềm tin cho các cổ đông hiện hữu và tiềm năng.

Cần tránh tình trạng nhà đầu tư khi nhìn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam như nhìn vào một chiếc hộp màu đen, không thấy được bên trong đó có gì. Nhìn rộng hơn nữa, điểm tín nhiệm của Việt Nam phải được cải tiến trong thời gian tới. Hiện nay, các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức không khuyến khích đầu tư/mang tính đầu cơ (non-investment grad/speculative), các ngân hàng của Việt Nam, bất kể ở quy mô hay mức độ uy tín nào, đều được xếp hạng từ mức này trở xuống vì trong một quốc gia không một thành phần kinh tế nào có thể được xếp hạng tín nhiệm cao hơn mức tín nhiệm của quốc gia đó. Ở mức độ tín nhiệm hiện nay, các ngân hàng Việt Nam khó có thể tranh thủ nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn từ nước ngoài.

Tin bài liên quan