Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Tăng vai trò để hài hòa lợi ích do địa tô chênh lệch khi thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, vai trò của Nhà nước cần rõ hơn trong việc điều tiết bồi thường khi thực hiện thu hồi đất tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cũng như tăng vai trò trong xử lý địa tô chênh lệch sau khi có sự đầu tư của nhà đầu tư để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp.

Thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội Hội trường Quốc hội sáng 3/11, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho biết, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa nhiều lần, kết tinh trí tuệ, sức lực của các tập thể, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương và toàn thể nhân dân.

Trong đó, so với dự thảo trước đây, bản dự thảo gửi tới các đại biểu Quốc hội trước thềm phiên thảo luận ngày hôm nay đã quy định cơ bản các trường hợp thu hồi đất. Đặc biệt, khoản 32 Điều 79 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định).
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định).

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, quy định như Dự thảo Luật lần này đã đảm bảo phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp, đó là Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và do luật định thì báo cáo với Quốc hội.

“Nhìn chung, quy định này đã khắc phục được tình trạng quy định chung chung và không rõ ràng như dự thảo trước đây”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) nhìn nhận, sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này đã đảm bảo tiếp thu cơ bản các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri…

Đại biểu cho biết, nhiều cử tri quan tâm đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh- tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc phòng đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Theo đại biểu, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Mặc dù đồng tình, nhưng đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định việc triển khai quyền của Nhà nước trong điều tiết phần giá trị tăng thêm của đất.

Cụ thể, cần bổ sung quy định cụ thể hơn việc triển khai quyền của Nhà nước trong điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi.

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang)

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang)

Theo đại biểu, nội dung này, qua một số lần thảo luận, góp ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung một số điều của luật, tuy nhiên, cần bổ sung cụ thể, rõ ràng và có tính chất bắt buộc cao hơn.

Một chính sách lớn giúp tạo lập nguồn lực quan trọng cho nhà nước để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được đặt ra từ lâu, cần hoàn thiện thêm, trong khi kinh nghiệm quốc tế đã có, thực tiễn quản lý cũng đủ cơ sở xem xét, tổng kết để thể chế hóa thành quy định pháp luật. Đại biểu cho rằng, cần có quyết tâm, xác định rõ nội dung trong luật sửa đổi và sớm tổ chức thực hiện.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đồng tình với quan điểm cần phải kiểm soát địa tô chênh lệch nhưng cần làm rõ nội dung cần kiểm soát là giá trị thặng dư siêu ngạch – được tạo ra sau khi có đầu tư của nhà đầu tư. Nếu kiểm soát chặt quá thì không khuyến khích và thu hút được nhà đầu tư, không phát triển được kinh tế xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì một số lợi ích siêu ngạch lại phục vụ lợi ích thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương)
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, kiểm soát tốt nhất là thực hiện đấu thầu. Để đấu thầu được thì Nhà nước phải thu hồi đất. Đồng thời, đền bù do Nhà nước thực hiện. Khi đó sẽ tiếp cận được giá thị trường. Người sử dụng đất khi được đền bù sẽ được tiệm cận giá thị trường trước khi đầu tư. Như vậy, công bằng cho cả nhà đầu tư, người bị thu hồi đất và Nhà nước không bị thất thoát.

Tin bài liên quan