Tín dụng dần tăng tốc
Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tháng 8 và kỳ vọng cải thiện dần trong mùa cao điểm cuối năm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16/8/2024 tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, theo cơ quan này, đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66% so với cuối năm ngoái, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.680.000 tỷ đồng, giảm 0,09% so với tháng trước đó và tăng 11,47% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 4,54% so với tháng trước đó và tăng 13,52% so với cùng kỳ. Tín dụng tháng 7/2024 giảm nhẹ chủ yếu do tín dụng ngoại tệ giảm.
Theo ông Lệnh, nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp duy trì xu hướng tích cực là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2024.
Trong cuộc họp với lãnh đạo NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành, cơ quan về chính sách tiền tệ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN), NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để NHNN phân bổ chỉ tiêu phù hợp. Nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng sẽ bị xem xét trong việc cấp chỉ tiêu cho năm tiếp theo. Áp lực này cộng với yếu tố “mùa vụ” kinh doanh cuối năm có thể là các tác nhân khiến tăng trưởng tín dụng phi mã chỉ trong thời gian ngắn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu khoảng 15%, ước tính sẽ “bơm” vào nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng từng bước nỗ lực giảm lãi suất, đẩy mạnh hoạt động cho vay. Cùng với đó là triển vọng kinh tế đang khả quan hơn, cộng thêm việc các ngân hàng được tiếp tục tái cơ cấu nợ cho khách hàng đến hết năm 2024 (Thông tư 02 được kéo dài 6 tháng), nhu cầu tín dụng kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm và đạt mục tiêu ngành đưa ra.
NHNN cũng cho biết, trong nửa đầu năm, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, cho dù lãi suất huy động tăng. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân toàn ngành ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Còn lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Nỗ lực giảm lãi vay
Mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung hiện đang ở mức khá thấp, bình quân rơi vào khoảng 6 - 8%/năm. Riêng với nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, một số ngân hàng như OCB áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ từ 5,5%/năm nhằm kích cầu tín dụng. Hay BVBank cho vay trả nợ trước hạn với lãi suất từ 3,49%/năm đối với vay nông nghiệp, từ 4,49%/năm vay sản xuất - kinh doanh, từ 5,49%/năm vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà. Thời gian ân hạn gốc là 24 tháng.
Trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, BIDV vừa dành gói tín dụng với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp khi phát hành bảo lãnh thực hiện các gói thầu vào các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, được ưu đãi lãi suất giảm tới 2%/năm so với mức lãi vay thông thường.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,7%, nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD. Với những kết quả tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung trong 7 tháng đầu năm 2024, các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu vốn sẽ tiếp tục gia tăng trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Ngành ngân hàng cũng đang kỳ vọng đây là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nên nỗ lực giảm lãi vay.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều ưu đãi với nhóm khách hàng cá nhân trong giai đoạn đầu. Tại BVBank, đối với cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh vay vốn để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, Ngân hàng cho vay với lãi suất từ 4,49%/năm, thời gian vay tối đa 25 năm, ân hạn gốc 24 tháng. Còn đối với vay mua bất động sản để tích lũy, nhà băng này áp dụng lãi suất cho vay từ 5,99%/năm, mức cho vay tối đa 85% giá trị tài sản đảm bảo, được lựa chọn ân hạn gốc đến 24 tháng hoặc phân kỳ trả nợ gốc linh hoạt nhằm giãn tối đa áp lực nợ.
Từ nay đến hết ngày 30/9/2024, LPBank dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng vay mua nhà đất và nhà dự án, với lãi suất chỉ từ 3,9%/năm và thời hạn tối đa 35 năm.
Trước tình hình thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn, nhiều ngân hàng, trong đó có Eximbank tích cực giải ngân tín dụng vào khu vực này, với việc cho vay tới 85% giá trị tài sản đảm bảo, lãi suất chỉ từ 3,5%/năm, thời hạn cho vay tối đa 40 năm và chính sách ân hạn gốc 7 năm. Tại Agribank, từ nay đến ngày 31/10/2024, Ngân hàng dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay trung, dài hạn để đầu tư hoạt động sản xuất - kinh doanh, với lãi suất từ 6%/năm, kỳ hạn vay từ 12 tháng trở lên.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, một trong những mục tiêu trọng tâm của NHNN trong những tháng cuối năm 2024 là hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực đóng vai trò là động lực phát triển của nền kinh tế, bao gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Đặc biệt, NHNN đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi với khoản vay có giá trị dưới 10 triệu đồng, cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia của khối ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng “đen”.
Sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng mới đạt 6,1%, tương đương 41% kế hoạch NHNN đề ra. Các nhà băng tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm là các ngân hàng bán buôn như LPB, TCB và các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền Nam như ACB, HDB. Song VPBankS cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,83% năm nay có thể đạt được khi nhu cầu tín dụng gia tăng khi bước vào mùa cao điểm tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh cuối năm và kỳ vọng việc Fed hạ lãi suất sẽ hỗ trợ cho việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán VCBS cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 ước đạt 12 - 13%. Trong đó, động lực tăng trưởng tín dụng đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng… Thị trường bất động sản hồi phục dần sẽ kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vay mua nhà…